Phó giáo sư-tiến sỹ Trình Năng Chung, Viện Khảo cổ học Việt Nam cho biết, mới đây đoàn khảo sát Viện Khảo cổ học đến hang Khố Mỷ thuộc thôn Khố Mỷ, xã Tùng Vài, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang, nghiên cứu về những hình vẽ bí ẩn được khắc trên vách đá.
Những hình vẽ này tuy quy mô còn nhỏ nhưng có giá trị về văn hóa và lịch sử, lại là loại di tích ít tìm thấy ở Việt Nam, do vậy cần giữ gìn, bảo tồn như viên ngọc quý trên Cao nguyên đá Đồng Văn.
Những hình vẽ này được thực hiện trong lòng hang tối mang tính chất huyền bí. Các hình vẽ thể hiện 4 con người đứng gần như song song với nhau, có hai hình vẽ còn khá nguyên vẹn, hai hình còn lại chỉ còn nhận biết rõ phần đầu. Đáng chú ý, phần đầu người có bộ phận mồm kéo dài như mõm động vật với hai chiếc sừng nhỏ, dài thẳng trên đầu. Hình vẽ người khá cân đối trong tỷ lệ nhân trắc học.
Theo tiến sỹ Chung, đây là những hình vẽ của người tiền sử, được thể hiện theo cách tả thực trong buổi lễ với sự nhảy múa của tốp người hóa trang thành loài thú có 2 sừng dài. Buổi lễ liên quan đến lễ hội săn bắn hoặc liên quan đến Tô tem giáo. Chất liệu vẽ có mầu đỏ sẫm và so sánh với nhiều chất liệu vẽ, viết trên vách đá ở một số nơi khác ở Ninh Bình, Cao Bằng cho thấy, người xưa ở Khố Mỷ đã nghiền thổ hoàng (một loại khoáng chất có màu đỏ sẫm) trộn với dầu hoặc nhựa thực vật hòa với nước làm mực vẽ.
Những hình vẽ tương tự cũng đã tìm thấy trước đây tại khu vực Đông Nam Á, thường miêu tả cảnh người săn bắt động vật. Đó là những hình vẽ trong hang động trên đảo Flores, Indonesia hoặc ở vùng núi Silpa thuộc miền nam Thái Lan, hoặc trên khối núi đá vôi vùng Ipoh miền trung Malaysia.
Cho đến nay, trên Cao nguyên đá Đồng Văn, các nhà khảo cổ học đã phát hiện nhiều di tích của người nguyên thủy ở các huyện Đồng Văn, Quản Bạ, Yên Minh. Nội dung, niên đại đích thực của những hình vẽ bí ẩn này đang là đề tài được các nhà khảo cổ học quan tâm, tiếp tục nghiên cứu sâu hơn.