Bình Thuận - môi trường du lịch thân thiện, văn minh
Cập nhật: 07/10/2013
(TITC) - Nằm ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Bình Thuận có đường bờ biển dài hơn 192km, từ mũi Đá Chẹt giáp Cà Ná (Ninh Thuận) đến bãi bồi Bình Châu (Bà Rịa Vũng Tàu), với nhiều nhánh núi đâm ra biển tạo nên các mũi: La Gan, Mũi Nhỏ, Mũi Rơm, Mũi Né, Kê Gà, chia bờ biển thành những đoạn lõm, vòm độc đáo.
Bên cạnh đó, nơi đây còn có nhiều bãi biển đẹp, nước trong xanh như: Phan Thiết, Mũi Né, Hàm Tân, Đồi Dương… với các loại hình dịch vụ tắm biển, câu cá, du thuyền… hấp dẫn. Ngoài khơi Bình Thuận còn có đảo Phú Quí rộng 23km² là cầu nối giữa đất liền với quần đảo Trường Sa.

Nắm bắt được tiềm năng du lịch thiên nhiên phong phú, cách đây hơn 10 năm, Bình Thuận đã bắt đầu tập trung đầu tư, phát triển du lịch, coi du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Cụ thể, từ năm 1999, Bình Thuận đã thành lập Ban Chỉ đạo phát triển du lịch, xác định rõ công tác xây dựng môi trường du lịch văn minh, an toàn, thân thiện là lợi thế để thu hút du khách. Theo đó, tỉnh đã bố trí lực lượng túc trực tại các điểm du lịch trọng yếu nhằm kịp thời ngăn chặn tình trạng ăn xin, bán hàng rong, chèo kéo du khách; yêu cầu các đơn vị, hộ gia đình kinh doanh dịch vụ nhà hàng, quán ăn… tại các điểm du lịch ký cam kết không tăng giá, "chặt chém" du khách; cải tạo, nâng cấp các nhà vệ sinh đạt chuẩn du lịch; kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng trạm dừng chân trên tuyến quốc lộ 1A… Đến nay, Bình Thuận đã có khoảng 10 trạm dừng chân kết hợp với kinh doanh xăng dầu và quảng bá tiềm năng du lịch thiên nhiên, văn hóa và những đặc sản của địa phương.



Mặc dù là địa phương còn hạn chế về hệ thống giao thông (chưa có sân bay, cảng biển…) nhưng nhờ những nỗ lực trên, Bình Thuận vẫn thu hút rất đông du khách trong nước và quốc tế như: Trung Quốc, Đức, Hàn Quốc…, đặc biệt là du khách Nga và du khách đến từ các nước nói tiếng Nga với biểu đồ tăng trưởng đều từ năm 2006 đến nay, thời gian lưu trú ngày càng dài hơn (trung bình là khoảng 7 ngày).

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận, năm 2012, Bình Thuận đã đón khoảng 126.000 lượt khách Nga, chiếm 36,7% trong tổng số khách quốc tế đến Bình Thuận, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong 9 tháng đầu năm 2013, Bình Thuận vẫn là điểm đến thu hút một lượng lớn du khách Nga, chiếm 35% trong tổng số khách quốc tế đến Bình Thuận. Dự kiến, đến năm 2015, Bình Thuận sẽ thu hút khoảng 350.000 khách Nga.

Thời gian qua, du lịch Bình Thuận đã khẳng định được vị thế của mình, xây dựng kế hoạch, định hướng phát triển du lịch tầm ngắn và dài hạn, đảm bảo môi trường du lịch văn minh, an toàn và thân thiện… Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả này, du lịch Bình Thuận vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: sản phẩm du lịch chưa đồng bộ và xứng tầm với tiềm năng du lịch sẵn có, nguồn nhân lực du lịch vẫn còn thiếu… Vì vậy, về lâu dài, địa phương cần sớm xây dựng trường đào tạo nghề du lịch; trong ngắn hạn, có thể liên kết với một số trường đào tạo nghề du lịch ở các địa phương khác để đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch tỉnh.

Bên cạnh đó, công tác xây dựng hình ảnh điểm đến du lịch Bình Thuận hấp dẫn, an toàn, thân thiện và văn minh cần được đẩy mạnh thực hiện. Theo đó, Bình Thuận sẽ tiếp tục tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước thông qua nhiều hình thức: xây dựng chuyên mục về kích cầu du lịch trên hệ thống truyền thông địa phương; phát hành ấn phẩm giới thiệu và hướng dẫn các tour, tuyến du lịch, sản phẩm du lịch đặc trưng bằng nhiều thứ tiếng; tham gia quảng bá hình ảnh tại các hội chợ, sự kiện, roadshow trong và ngoài nước...

Cùng với đó, du lịch Bình Thuận cũng tập trung thu hút khách du lịch nội địa bằng cách tổ chức các chương trình khuyến mãi, giảm giá, quà tặng các loại dịch vụ từ lưu trú, dịch vụ giải trí cho đến giá cước vận chuyển, giá vé tham quan các di tích lịch sử - văn hóa, thắng cảnh, từ đó thúc đẩy tăng trưởng về lượng khách và doanh thu; phát động chiến dịch quảng bá và nâng cao nhận thức cộng đồng địa phương trong xây dựng hình ảnh điểm đến bằng sự thân thiện, mến khách; thực hiện tốt việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết và đảm bảo chất lượng hàng hóa về vệ sinh an toàn thực phẩm; phát động chương trình làm sạch môi trường tại các khu du lịch dã ngoại và điểm tham quan…

Sự cố gắng không ngừng cùng với những thành quả đã đạt được chính là nền tảng vững chắc để du lịch Bình Thuận tiếp tục xây dựng, phát triển môi trường du lịch thân thiện, văn minh phục vụ du khách.


Thanh Hải