Ba Tri (Bến Tre) mảnh đất giàu tiềm năng du lịch
Cập nhật: 24/10/2013
(TITC) - Ba Tri là một huyện thuộc tỉnh Bến Tre, nằm ở phía Đông cù lao Bảo, cách thành phố Bến Tre khoảng 36km về hướng Đông Nam, có diện tích 356km2. Đây là địa phương có nhiều di tích gắn với các danh nhân nổi tiếng, di tích lịch sử dân tộc, lịch sử cách mạng, môi trường sinh thái rừng và hàng chục kilômét bờ biển, trong đó có gần 20km bãi biển.

Khu Lăng mộ Cụ Nguyễn Đình Chiểu

Di tích Mộ và khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu tại xã An Đức, cách trung tâm thị trấn Ba Tri 2km, đã được Bộ Văn hoá - Thông tin (Bộ VHTTDL) công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia vào ngày 27/4/1990. Di tích được xây dựng với tổng diện tích 13.000m2 và hàng năm vào ngày 01/7 dương lịch cũng là ngày lễ kỷ niệm ngày sinh nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Đây cũng là ngày được chọn làm “Ngày hội truyền thống văn hóa của tỉnh Bến Tre 1/7” hàng năm, nhằm tôn vinh những giá trị tư tưởng, nhân cách đạo đức của một nhà giáo, một người thầy thuốc suốt đời vì nhân dân, đã đem tài năng và trí tuệ của mình phục vụ cho dân, cho nước. Đến Ba Tri vào ngày hội du khách sẽ được tham gia và tận hưởng với các hoạt động đặc sắc như: liên hoan đờn ca tài tử; liên hoan hóa trang Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga; nói thơ Lục Vân Tiên; biểu diễn trống hội; biểu diễn võ thuật truyền thống; liên hoan ẩm thực, mâm cơm ngày giỗ; các trò chơi dân gian như đẩy gậy, kéo co truyền thống, nhảy bao bố, đập niêu, kéo tay... được tổ chức hàng năm từ ngày 30/6 - 2/7 tại Di tích Mộ và khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu.

Bên cạnh đó, những di tích văn hóa như Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Phú Lễ tại xã Phú Lễ; di tích Mộ Võ Trường Toản xã Bảo Thạnh; di tích địa điểm Nhà ông Nguyễn Văn Cung và ngã ba Cây Da Đôi tại xã Tân Xuân; khu lưu niệm đốc binh Phan Ngọc Tòng, xã An Hiệp; miếu thờ và mộ cụ Tán Kế (Lê Quang Quan) ở xã Mỹ Thạnh; làng nghề bánh phồng Phú Ngãi, làng nghề muối Bảo Thạnh, làng nghề cá khô An Thủy, biển phù sa Cồn Hố... cũng là những điểm thu hút sự tham quan, tìm hiểu của nhiều du khách tham quan.

Điều mà du khách đến Ba Tri cũng sẽ rất thú vị, ấn tượng là khi được khám phá sinh thái tự nhiên “sân chim Vàm Hồ” ở xã Tân Mỹ, cách thị trấn Ba Tri 18km. Ở Vàm Hồ, có hàng ngàn cánh cò, cánh vạc, ngoài ra, còn có chim vịt và nhiều loài chim nhỏ sống trong các lùm cây gần vực nước như: cuốc ngực trắng, trích, cúm núm, chằng nghịch, bìm bịp, chằng chài, chẽo chẹt, bông lau, chèo bẻo đuôi cò, chim vịt… và những hệ sinh thái thực vật tự nhiên rất lạ mắt. Hiện tại nơi đây chỉ mới được đầu tư­ cho du lịch, nên môi trường hoàn toàn còn hoang sơ.

Đoàn khảo sát tại bãi hàng dương

Ẩm thực Ba Tri cũng là một điểm thú vị hút chân du khách tới đây. Nếu đã được thưởng thức một lần, hẳn du khách sẽ không thể quên với một món đặc trưng là nghêu kho và rau sam ăn với cơm trắng; hay món cá lóc đồng nướng mỡ hành ăn với bánh tráng cuốn rau sống, chấm nước mắm chua ngọt mang đậm chất dân dã, đồng quê Nam Bộ và rất nhiều món hải sản tươi ngon khác.

Ngoài ra, với một tiềm năng du lịch biển tại cồn Nhàn (Bảo Thuận), cồn Hố (An Thủy) và Khu Lạc Địa (Phú Lễ) là cơ sở để phát triển Ba Tri trở thành một Khu du lịch sinh thái biển với sự phụ trợ của du lịch về nguồn, tham quan, nghiên cứu học tập và du lịch làng nghề…

Ngày 18/10/2013, ông Trần Ngọc Tam, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch cùng các lãnh đạo huyện Ba Tri và đại diện các ban ngành huyện đã đi khảo sát du lịch biển tại cồn Hố thuộc xã An Thủy và cồn Nhàn thuộc xã Bảo Thuận của Ba Tri; cùng đi có một số doanh nghiệp từ Tp. Hồ Chí Minh cũng nghiên cứu để đầu tư du lịch biển tại Ba Tri.

Đây sẽ là tiền đề để chính quyền tỉnh Bến Tre, huyện Ba Tri quan tâm đầu tư phát triển du lịch, đưa du lịch Ba Tri trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện, giúp giải quyết việc làm cho người dân địa phương nhằm nâng cao mức sống cho nhân dân.

Hương Lê