Di tích khảo cổ khu vực Mẫu Sơn (Nguồn ảnh: langsontv.vn)
Di tích khảo cổ khu vực Mẫu Sơn (xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) chính là khu linh địa cổ Mẫu Sơn, nằm ở độ cao 1.190m so với mặt nước biển, phân bố trên sườn núi dốc (diện tích 24.400m²) thuộc dãy Mẫu Sơn. Đây là di tích liên quan đến quá trình sinh sống của cư dân trong vùng ở những giai đoạn lịch sử khác nhau.
Theo kết quả khai quật khu di tích khảo cổ Mẫu Sơn năm 2003 - 2004 của Bảo tàng tổng hợp Lạng Sơn kết hợp với Viện khảo cổ học Việt Nam đã phát lộ 3 nền móng bằng đá, các chân cột đá, tường đá, tường gạch, bậc thềm và cánh cửa đá... Thông qua kích thước và vết đục đẽo và một số họa tiết, những hiện vật này là nguyên liệu để xây dựng đền thờ vị thần trấn núi Mẫu Sơn có tên gọi là “Đức Tôn Thần Công Tịnh Quang Mậu, Hùng Trấn Đại Vương, Thượng Đẳng Phúc Thần”.
Ngoài các dấu tích trên, các nhà khảo cổ còn phát hiện một số hầm mộ bằng đá. Đây là nơi chôn cất người chết theo kiểu mộ Cự Thạch và mộ Trác Thạch.
Di tích khảo cổ khu vực Mẫu Sơn không những chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc mà còn bổ trợ cho cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ vốn có ở Mẫu Sơn thêm phong phú.
Khu vực này đã được xếp hạng di tích khảo cổ cấp quốc gia.
Hang Khố Mỷ (Nguồn ảnh: internet)
Hang Khố Mỷ (xã Tùng Vài, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) nằm trong khu vực Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, cách trung tâm thị trấn Tam Sơn (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) khoảng 20km về phía đông. Hang dài 474m, được cấu tạo hoàn toàn bằng đá vôi. Trong hang có nhiều cột thạch nhũ, dải nhũ đá mang hình thù kỳ thú như: hình con sư tử, hình vòi voi, hình lọng của vua quan thời phong kiến… Trên vách đá có nhiều hình vẽ cổ xưa, tiêu biểu là hình người với hai chiếc sừng dài trên đầu, đang dang tay nhảy múa. Theo nghiên cứu của các nhà khảo cổ học, người xưa đã nghiền đá thổ hoàng trộn với nhựa thực vật và hòa với nước để vẽ.
Xung quanh hang là cánh rừng bao la, xanh tốt; bên sườn núi là những thửa ruộng bậc thang tầng tầng lớp lớp nối tiếp nhau; phía xa xa là những nếp nhà ẩn hiện trong làn sương trắng mờ ảo.
Hang đã được các nhà địa chất đánh giá là một trong những hang động đẹp nhất Hà Giang và được xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia.
Hang Thiên Thủy (xã Nàn Ma, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang) được cấu tạo hoàn toàn từ đá vôi, với tổng chiều dài 340m. Với cấu trúc như vậy, hang thuộc dạng hiếm gặp tại khu vực núi đất phía tây nam của tỉnh Hà Giang. Trong lòng hang được bao phủ dày đặc nhũ đá với nhiều màu sắc và hình thù độc đáo, kỳ lạ.
Hang đã được xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia.
Hang động núi Niệm (xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) gồm hang Lớn và hang Chùa nằm trong vùng chân núi Niệm, gần đền Niệm (xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình). Đây là nơi chứa đựng chồng chất các lớp dấu tích về văn hóa cổ xưa như: các hóa thạch động vật có tuổi cách ngày nay hàng chục vạn năm (xương, răng của hươu, nai, tê giác); hóa thạch vỏ các loài nhuyễn thể (vỏ ốc Trổ) – thức ăn của người tiền sử, các công cụ ghè đẽo bằng đá cuội và công cụ đào bới bằng vỏ trai, hến lớn do người tiền sử chế tạo thuộc nền văn hóa Hòa Bình.
Các lớp trầm tích hóa thạch được tìm thấy giữa các mảng trượt đá vôi, trong các hốc kín hay được gắn kết ở phần vách hang, dưới nền hang, dày hàng mét.
Khu vực này còn tiếp tục là nơi cư trú của cộng đồng dân cư thời đại đá mới và thời kim khí trong suốt thời gian biển tiến Flandrian dâng cao. Sau đó, họ đã rời hang đến vùng xung quanh mỏm núi nằm sát sông Bôi để dựng lều trại và định cư tại đây. Dấu tích còn lại đến nay của những khu lều trại này là những tầng đất đen chứa nhiều than tro, mảnh gốm thô, vỏ nhuyễn thể nước mặn và nước lợ xen lẫn xương, răng động vật. Tuổi của những khu lều trại này cách ngày nay khoảng từ 3.000 - 6.000 năm.
Khu vực này đã được xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia.
Đình Trải (Đình Cả) (xã Hoàng Tây, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) có tên chữ là Bảo Đức, thờ Đông Hải Đại vương Nguyễn Phục, một vị tướng giỏi có công giúp vua Lê Thánh Tông đánh tan quân Chiêm Thành.
Đình được xây dựng vào thế kỷ 18, theo kiểu chữ đinh, trên diện tích 1.847m2. Mặt chính diện quay hướng tây, phía trước là đường thôn, xung quanh giáp nhà dân.
Đình mang đậm phong cách kiến trúc nghệ thuật thời Hậu Lê, gồm hai tòa tiền đường 3 gian, 2 chái, bốn mái cong và hậu cung 3 gian bít đốc.
Với nhãn quan tinh tế, trình độ điêu luyện, thợ mộc làng Trải xưa kia đã phối hợp thành công các giải pháp kỹ thuật trong xây dựng nhằm nâng cao giá trị kiến trúc, thẩm mỹ cho ngôi đình, nổi bật là kỹ thuật bào trơn, đóng bén, tạo các loại mộng xám, mộng đuôi én, đuôi cá, chạm kênh bong, chạm thông phong, chạm chìm, chạm nổi…
Hàng năm, lễ hội đình Trải thường được tổ chức từ ngày 11 đến 15 tháng 2 âm lịch với những nghi thức trang trọng và các hoạt động văn hóa phong phú, đa dạng như: lễ tế, dâng hương, đánh cờ người, bịt mắt đập niêu, đánh đu, bắt vịt…
Đình đã được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Đình Tiên Thủy (xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) thờ 4 vị thần gồm: Cao Các Quảng Độ tôn thần, Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi, Bổn Cảnh Thành Hoàng, Đại Càn Quốc Gia Nam Hải và được an vị vào ngày 11 tháng 11 năm Nhâm Tý (1852). Từ đó đến nay, cứ đến ngày này thì tất cả dân làng tập họp lại làm lễ cúng rất long trọng.
Phía trước đình có bức bình phong, bàn thờ Thần Nông và 4 ngôi miếu: miếu Ông Hổ, miếu Ngũ Hành, miếu Thổ Thần, miếu Bà Chúa Xứ. Cổng chính của đình hướng Đông Bắc, đình hướng chính Đông (sông Tiên Thủy).
Tương truyền, đình được khởi dựng vào khoảng năm 1778 và được trùng tu vào năm 1928. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến nay kiến trúc đình vẫn được gìn giữ nguyên vẹn, bao gồm các gian: võ ca, võ quy, chính điện, nhà chỉnh y, nhà bếp và nhà tiệc được xây dựng theo kiến trúc hình chữ Sơn (山), trong khuôn viên có tổng diện tích là 11.587m². Nóc đình hình ngọn tháp, được trang trí các hoa văn đắp nổi như: long mã hà đồ, long ẩn vân, lưỡng long tranh châu, cá hóa long, cừu, song đăng, rồng,... Bên cạnh đó, các mảng điêu khắc chạm nổi, chạm lộng, chạm khắc, xà cừ, sơn son thếp vàng… được thể hiện sắc sảo trên các hoành phi, câu đối, bao lam, thành vọng… của đình. Trong đó, mảng chạm nổi hai lớp hoa văn ở các ô, hộc (lớp bên trong sử dụng chạm lộng như một lớp lưới hay tổ ong để làm nền cho lớp hoa văn chạm nổi bên ngoài) được cho là phong cách kiến trúc nghệ thuật đặc sắc và công phu nhất ở đình Tiên Thủy.
Đình đã được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Mộ Trương Công Hy (xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) được xây dựng trên diện tích gần 2.600m², theo kiến trúc và vật liệu đặc thù thời Tây Sơn. Ngoài hai linh vật là hai con nghê hầu chầu, trên lăng mộ còn có hai đôi câu đối ghi nhớ công đức to lớn của Trương Công Hy còn giữ lại sau hơn 2 thế kỷ.
Trương Công Hy đỗ hương cống dưới thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát, từng làm thầy dạy cho các con của chúa Nguyễn. Sau đó, ông tham gia triều Tây Sơn, giữ chức Binh bộ Thượng thư, Hình bộ Thượng thư dưới triều Quang Trung và Cảnh Thịnh; đóng góp vào việc chấn chỉnh tổ chức giáo dục khoa cử, biên soạn luật lệ, tiến cử người hiền tài… Ông từng được nhà Tây Sơn ban lộc điền 500 mẫu, nhưng phân phát cho nhân dân địa phương canh tác.
Trương Công Hy là nhân vật lịch sử đặc biệt mà Viện Sử học (thuộc Viện KHXH Việt Nam) đã khẳng định rằng “tên tuổi, sự nghiệp của ông đối với sự phát triển của lịch sử dân tộc cần được tôn vinh xứng đáng”.
Khu mộ đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia.
Thanh Hải