Là mảnh đất hội tụ hàng nghìn kiến trúc độc đáo, xứ sở của những lễ hội, nơi phát tích của vương triều nhà Lý, trung tâm Phật giáo lớn dưới nhiều triều đại phong kiến, du lịch văn hóa, tâm linh đang trở thành thế mạnh trong phát triển ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh Bắc Ninh.
Nhắc đến Bắc Ninh - Kinh Bắc là nhắc đến mảnh đất có bề dày lịch sử, văn hóa với nhiều di tích nổi tiếng như: đền Đô, đền Bà Chúa Kho, chùa Dâu, chùa Phật Tích, chùa Bút Tháp, chùa Dạm, Lăng và đền thờ Kinh Dương Vương… Tất cả những di tích và danh lam thắng cảnh này đã trở thành điểm du lịch văn hóa, tâm linh hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Thống kê của ngành Du lịch, trong 6 tháng đầu năm, Bắc Ninh đã đón gần 200 nghìn lượt du khách, doanh thu 160 tỷ đồng (đạt hơn 60% kế hạch năm). Du lịch Bắc Ninh hiện đang đứng trong top trung bình các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng về lượng khách và doanh thu. Đây là một con số tăng trưởng khá ấn tượng của ngành du lịch tỉnh nhà trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Du lịch tâm linh nhằm thỏa mãn nhu cầu giao tiếp với môi trường tự nhiên, xã hội, hướng về cội nguồn, hưởng thụ sinh hoạt văn hóa... có thể là cuộc hành hương đến đền chùa, thăm các cơ sở tôn giáo, các tuyến đường lịch sử văn hóa liên quan đến các di sản hữu hình và vô hình như lễ hội, âm nhạc, sân khấu, ẩm thực; nghỉ tại nhà dân và tiêu dùng các sản phẩm du lịch được tạo ra bởi sự sáng tạo của con người. Đầu tư cho du lịch tâm linh vừa đạt được nhu cầu thưởng thức tự nhiên của du khách, vừa thu được lợi nhuận, tạo công ăn việc làm cho người dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang dịch vụ một cách hiệu quả.
Đối với Bắc Ninh, đây được đánh giá là một loại hình sản phẩm du lịch đầy tiềm năng. Bắc Ninh có lợi thế về hệ thống đền chùa, thắng cảnh đa dạng và phong phú. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bắc Ninh hiện có gần 1.300 di tích văn hoá, trong đó có 191 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, hơn 200 di tích được xếp hạng cấp tỉnh cùng với hơn 400 lễ hội truyền thống đậm chất dân gian. Các di sản văn hóa, lễ hội ở Bắc Ninh đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước, đóng góp vào nền kinh tế của tỉnh… Nhận diện được tiềm năng này, tỉnh đang xúc tiến quảng bá du lịch văn hóa tâm linh Bắc Ninh trở thành một điểm đến trọng điểm của du lịch đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Theo quy hoạch tổng thể của du lịch Bắc Ninh với mục tiêu lấy du lịch văn hoá tâm linh làm mũi nhọn, tỉnh đã triển khai nhiều dự án tu bổ, mở rộng các khu du lịch tâm linh kết hợp với sinh thái như: khu du lịch chùa Phật Tích, chùa Dạm, núi Thiên Thai, Lăng và đền thờ Kinh Dương Vương… Mục tiêu đến năm 2020, đón trên 1,7 triệu lượt khách (trong đó có 80 ngàn lượt khách quốc tế). Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2020 đạt 20,5 %/năm. Năm 2030, đón trên 7,6 triệu lượt khách, (trong đó có 390 ngàn lượt khách quốc tế). Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2021 - 2030 đạt 17%/năm. Tỷ trọng khách quốc tế tăng dần từ 4,4% (năm 2015) lên 4,7% (năm 2020) và 5,1% (năm 2030).
Tuy nhiên, theo nhận xét của ông Trần Quang Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh tại hội thảo nghiên cứu cơ sở khoa học phục vụ xây dựng các chương trình du lịch vừa qua thì việc khai thác những giá trị văn hóa tâm linh vào phục vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh còn chưa xứng tầm với tiềm năng. Hoạt động du lịch mới dừng ở khai thác các giá trị tự nhiên, gần như chưa đi vào chiều sâu các giá trị văn hóa để phục vụ du lịch; các di tích, lễ hội cũng chủ yếu phục vụ nhu cầu văn hóa tâm linh, tham quan vãn cảnh của người dân. Ngoài một số khu di tích trọng điểm thì các khu di tích còn lại đều ít người biết đến, trừ các nhà khoa học, nghiên cứu văn hóa và người dân trên địa bàn…
Trong thời gian tới ngành du lịch Bắc Ninh cần có những chiến lược cụ thể, xây dựng những tour, tuyến du lịch hợp lý, đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên tại chỗ có kiến thức văn hóa, lịch sử, đầu tư có chiều sâu vào các dịch vụ đi kèm... Có như vậy, tiềm năng du lịch tâm linh của tỉnh nhà mới được “đánh thức”, phục vụ xu hướng phát triển du lịch bền vững.