Hội thảo quốc tế vai trò di sản văn hóa trong giáo dục
Cập nhật: 26/11/2013
150 nhà khoa học trong và ngoài nước đã tham gia hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề "Vai trò của di sản văn hóa trong giáo dục và phát triển hòa bình", diễn ra ngày 25/11, tại Đồng Nai.

Hội thảo do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp cùng Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai và Quỹ Nguồn lực châu Á phối hợp tổ chức.

Mục đích của hội thảo nhằm khẳng định giá trị, vai trò của di sản văn hóa trong đời sống, giáo dục, qua đó làm thay đổi nhận thức cho các ngành, các giới trong việc hoạch định và điều hành kế hoạch phát triển trong môi trường hòa bình, vì hòa bình.

Hội thảo là nhịp cầu kết nối nhận thức và hành động giữa các nhà nghiên cứu-lãnh đạo, quản lý-truyền thông. Đây cũng là hoạt động chào mừng Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Hội đồng di sản thế giới.

35 bài tham luận của các nhà khoa học trong và ngoài nước trình bày tại hội thảo tập trung khẳng định và làm rõ những nội dung như xác định di sản văn hóa từ thực tế; các phương pháp nâng cao nhận thức trong cộng đồng địa phương về giá trị của các di sản văn hóa; di sản văn hóa như là một phần của tính thống nhất; tính đồng nhất và thống nhất trong đa dạng của văn hóa.

Theo tiến sĩ Grada Abdel Monem El Gemaie (khoa Khảo cổ học, Trường đại học Cairo, Ai Cập), di sản văn hóa không phải là một thứ xa xỉ mà là nền tảng của một xã hội văn minh, nguồn gốc của bản sắc và xây dựng đất nước. "Đây là linh hồn của bất cứ quốc gia nào, thiếu di sản văn hóa hoặc đánh mất nó đồng nghĩa với việc chúng ta mất đi tinh thần và linh hồn của mình - chúng ta sẽ biến mất".

Không có nền văn minh nào có thể phát triển, sinh sôi nếu thiếu hòa bình. Bởi văn hóa sẽ đảm bảo được sự đối thoại, đối thoại dẫn tới sự thấu hiểu, thấu hiểu tự động đưa đến hòa bình. Di sản văn hóa vì thế là một trong những bước chính để đạt tới quá trình hòa bình.

Dẫn chứng về sự đa dạng văn hóa với phát triển hòa bình trong trường hợp của vùng Tây Nguyên (Việt Nam), phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Châm, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, văn hóa Việt Nam nói chung và Tây Nguyên nói riêng là một nền văn hóa đa dạng, song ở Tây Nguyên hiện nay do sự suy giảm đa dạng sinh học đã dẫn tới suy giảm đa dạng văn hóa.

Trong năm 2013, nhóm nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã đi khảo sát nhiều nơi tại Tây Nguyên và chứng kiến những sự mai một dần của các tri thức, nghi lễ, thực hành văn hóa liên quan đến rừng của đồng bào thiểu số nơi đây. Rừng mất dần, nguồn nước và chất lượng đất suy giảm, đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhất là làm nhà và đục tượng nhà mồ bằng gỗ.

Đô thị hóa, công nghiệp hóa nhanh cũng dẫn đến suy giảm đa dạng văn hóa ở Tây Nguyên (hiện tỉ lệ đô thị hóa vùng Tây Nguyên đạt gần 30% với 63 đô thị). Cấu trúc buôn làng bị phá vỡ, thay thế bằng đô thị, làm mất đi những lễ hội truyền thống. Ngoài ra, áp lực về sự gia tăng dân số, đồng nhất và dập khuôn mô hình phát triển cũng góp phần làm suy giảm đa dạng văn hóa vùng Tây Nguyên.

Bà Châm nhấn mạnh đa dạng văn hóa ở Tây Nguyên bị suy giảm ở nhiều mức độ, song hiện nay các chính sách xây dựng và phát triển Tây Nguyên của Nhà nước đã chú ý đến đa dạng văn hóa khu vực này. "Chúng ta đã nhận thức được rằng, chỉ khi sinh kế được đảm bảo, không bị xáo trộn, khi đó mới có một mối quan hệ hài hòa và cuộc sống hòa bình giữa con người với tự nhiên, con người với con người", bà Châm nói.

Theo giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, văn hóa đưa đến cơ hội cho mọi người gặp gỡ, hiểu biết lẫn nhau. Muốn xây dựng một xã hội công bằng, thế giới cần hiểu biết và đánh giá cao nhiều nền văn hóa khác nhau, liên minh mạnh mẽ với các nhóm văn hóa khác.

Trong 3 ngày diễn ra hội thảo (25-27/11), hội thảo sẽ đề xuất những giải pháp nhằm làm cho di sản văn hóa có thể đóng vai trò hiệu quả cho giáo dục và phát triển hòa bình, nâng cao nhận thức trong nhân dân nhằm bảo vệ di sản văn hóa.
Vietnam+