Với mục đích giáo dục truyền thống và nâng cao nhận thức về ý nghĩa Ngày Di sản văn hóa Việt Nam cho du khách và nhân dân địa phương, ngày 21/11, Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm Bình Thuận đã tổ chức nhiều hoạt động chuyên đề giới thiệu các loại hình văn hóa Chăm phục vụ đông đảo bà con và du khách tham quan.
Tại đây, thông qua các hiện vật, hình ảnh được trưng bày, Trung tâm tập trung thuyết minh và giới thiệu sâu vào các nội dung như ý nghĩa của Lễ hội Katê của người Chăm Bàlamôn từ đền tháp cho đến làng và gia đình; giới thiệu những hiện vật tại phòng trưng bày hoàng tộc Chăm Po Klaong Mânai và Pô Nit vào giai đoạn thế kỷ thứ 17…
Ngoài hiện vật trưng bày, du khách tham quan, nghiên cứu còn được hướng dẫn tham quan cổ vật gốc tại kho mở Hoàng tộc.
Ông Lâm Tấn Bình, Giám đốc Trung tâm trưng bày văn hóa Chăm Bình Thuận, cho biết với nhiệm vụ bảo tồn, lưu giữ và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa của cộng đồng Chăm ở Bình Thuận, Trung tâm đã trở thành điểm sinh hoạt văn hóa chính của bà con nơi đây. Qua ba năm hoạt động, Trung tâm đã sưu tầm được hơn 200 hiện vật cổ có giá trị.
Bên cạnh đó, Trung tâm còn chú trọng các hoạt động quảng bá, giới thiệu các giá trị văn hóa phi vật thể thông qua các hội thi nghề truyền thống vào các dịp sinh hoạt chuyên đề và các ngày lễ lớn của người Chăm. Bên cạnh việc giới thiệu các di tích, cổ vật, các giá trị văn hóa vật thể tới du khách, Trung tâm còn tổ chức trình diễn và tái hiện gian làng nghề truyền thống của người Chăm là nghề dệt thổ cẩm và làm gốm với sự tham gia của các nghệ nhân Chăm nổi tiếng…
Theo ông Lâm Tấn Bình, việc tổ chức quảng bá giới thiệu nền văn hóa Chăm cũng để tạo ra thêm nhiều sản phẩm du lịch văn hóa mang nét đặc trưng của đồng bào Chăm Bình Thuận đến với du khách, các nhà nghiên cứu trong nước và thế giới.
Bắc Bình là một trong những huyện có nhiều người Chăm sinh sống từ lâu đời. Chính vì vậy, dân tộc Chăm nơi đây có một chuỗi hệ thống lễ nghi chứa đựng nhiều giá trị văn hóa dân gian qua hàng trăm lễ hội, lễ nghi còn lưu giữ đến ngày nay. Kho tàng văn hóa vật thể, phi vật thể của người Chăm rất đặc sắc và đa dạng. Ngoài việc có tiếng nói và chữ viết riêng, có trang phục và phong tục thờ cúng thì các loại hình nghệ thuật ca, múa dân gian Chăm là phần không thể thiếu được trong đời sống tinh thần.