Ngày 10/11, Hội thảo "Sản phẩm Trà và phát triển ngành chè, xúc tiến đầu tư và du lịch tại Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ hai năm 2013" đã được tổ chức tại tỉnh Thái Nguyên.
Tại hội thảo, gần 10 tham luận của các đại biểu đã tập trung phân tích về thực trạng công nghệ sản xuất, chế biến chè, xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên,” phân tích thị trường tiêu thụ sản phẩm trà, đánh giá một số tác nhân tham gia vào chuỗi giá trị ngành chè, mối liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè.
Ngoài ra, những khó khăn thách thức của ngành chè hiện nay và giải pháp nhằm bảo tồn, nâng cao giá trị của cây chè và sản phẩm trà Thái Nguyên, trà Việt Nam cũng được các đại biểu quan tâm.
Việt Nam hiện nằm trong tốp 5 nước sản xuất, xuất khẩu chè lớn nhất thế giới với khoảng 130.000ha chè, trong đó tỉnh Thái Nguyên đóng góp 18.600ha, đứng thứ hai cả nước sau tỉnh Lâm Đồng.
Sản lượng chè của Thái Nguyên đạt gần 185.000 tấn/năm, xuất khẩu hàng năm đạt trên 7.000 tấn chè búp khô các loại, thu được trên 10.700 triệu USD, chiếm gần 11% tổng kim ngạch xuất khẩu chè của cả nước.
Sản phẩm chè Thái Nguyên chủ yếu được xuất sang các nước và vùng lãnh thổ như Mỹ, Canada, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Đài Loan, Nga, Sri Lanca, Pakistan.
Ngành chè Việt Nam nói chung, của Thái Nguyên nói riêng có nhiều tiềm năng, lợi thế và cơ hội phát triển, tuy nhiên cũng gặp phải nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp chế biến chè công nghiệp được trang bị máy móc thiết bị đồng bộ nhưng hoạt động cầm chừng do không chủ động được nguyên liệu. Ngoài ra, năng suất thu hái chè búp tươi còn hạn chế, mới chỉ đạt mức bình quân chung trên thế giới, khâu chế biến còn nhiều bất cập, chủ yếu bằng thủ công. Sản phẩm chè nghèo nàn về chủng loại, chất lượng, mẫu mã chưa hấp dẫn nên sức cạnh tranh thấp, chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa chế biến và sản xuất nguyên liệu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chè chưa có sự đầu tư thỏa đáng cho công tác khảo sát, tiếp thị, quảng bá sản phẩm hàng hóa chè. Nông dân vùng chè chưa được trang bị kiến thức về thị trường và kỹ năng bán hàng hiệu quả, đa phần các điểm thu mua hàng là tự phát hoặc trong các chợ nông thôn.
Để khắc phục những bất cập này, một số đại biểu cho rằng, cần có sự chung tay, thống nhất giữa cơ quan quản lý, các nhà khoa học, người dân trồng chè và các doanh nghiệp cơ sở sản xuất kinh doanh từ định hướng, hoạch định đề xuất cơ chế chính sách phát triển ngành chè đến tổ chức triển khai thực hiện ở các khâu cụ thể.
Sau chương trình hội thảo, các đại biểu đã đi tham quan thực tế tại một số vùng nguyên liệu chè của tỉnh Thái Nguyên.