(TITC) - Vừa qua, tại Hội An (Quảng Nam), Sở VHTTDL Quảng Nam đã phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức hội thảo tham vấn xây dựng cơ chế quản lý thương hiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ tỉnh Quảng Nam nhằm xây dựng một cơ chế quản lý thương hiệu phù hợp, tạo điều kiện phát triển bền vững cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ của tỉnh Quảng Nam.
Du khách tham quan làng gốm Thanh Hà (Nguồn ảnh: internet)
Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo các sở VHTTDL, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông; đại diện lãnh đạo một số huyện trong tỉnh cùng các hiệp hội, doanh nghiệp kinh doanh du lịch, bán hàng thủ công mỹ nghệ và các làng nghề trên địa bàn tỉnh.
Từ những năm đầu thế kỷ 15 - 16, theo chân những lưu dân Bắc Bộ mở đất về phương Nam, nhiều ngành nghề thủ công mỹ nghệ đã ra đời và phát triển mạnh trên vùng đất Quảng Nam. Trải qua hàng trăm năm, một số làng nghề ở đây vẫn được gìn giữ và phát triển cho đến ngày nay, điển hình như: mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, rau Trà Quế, đúc đồng Phước Kiều, dệt Mã Châu, dâu tằm Đông Yên – Thi Lai, dệt chiếu cói Bàn Thạch, dệt thổ cẩm của người Cơtu…
Mặc dù có quá trình phát triển lâu dài, nhưng hiện nay, doanh nghiệp ở các làng nghề trên địa bàn tỉnh đang ở thế yếu về năng lực cạnh tranh do thương hiệu chưa được biết đến nhiều trên thị trường. Nhiều doanh nghiệp chỉ tận dụng cơ hội để thu lợi nhuận mà chưa quan tâm đến việc tạo dựng thương hiệu để có thể cạnh tranh bền vững trên thị trường.
Trước thực trạng đó, các đại biểu tham dự hội thảo đã đề xuất một số giải pháp nhằm tìm ra hướng đi phù hợp cho các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh, trong đó, hầu hết các ý kiến đều thống nhất là cần thiết phải xây dựng một thương hiệu chung cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của tỉnh Quảng Nam.
Theo ông Randy Durband - cố vấn kỹ thuật của dự án ILO, việc xây dựng một cơ chế quản lý thương hiệu cho sản phẩm thủ công sẽ mang lại lợi ích thiết thực như hỗ trợ quảng bá để bán các sản phẩm của địa phương, tăng thu nhập cho người dân tại các làng nghề, đồng thời đem đến cho du khách nhiều trải nghiệm mới. Điều này còn giúp phân biệt sản phẩm của địa phương với các sản phẩm khác được sản xuất hàng loạt trên thị trường. Tuy nhiên, cũng theo ông Randy Durband, việc hình thành và duy trì một cơ chế quản lý thương hiệu sẽ gặp những thách thức không nhỏ, đặc biệt là vấn đề chi phí quản lý và hiệu quả quảng cáo. Ông đề xuất nên quản lý thương hiệu bởi một hiệp hội phi lợi nhuận và có “một con dấu” gắn vào sản phẩm được chứng nhận.
Theo đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội thì việc xây dựng một thương hiệu chung và cơ chế quản lý thương hiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ sẽ giúp nâng tầm thương hiệu của du lịch Quảng Nam. Văn phòng UNESCO tại Hà Nội đã đề xuất xây dựng logo cho thương hiệu với tên gọi “Trái tim Việt Nam”, đồng thời xuất 3 logo biểu tượng du lịch của tỉnh.
Lộ trình thực hiện việc xây dựng cơ chế quản lý thương hiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ tỉnh Quảng Nam cũng được các bên đưa ra thảo luận. Dự kiến từ tháng 11/2013 sẽ thành lập Ban chỉ đạo hỗ trợ xây dựng cơ chế và tiến hành các bước như gửi hồ sơ đăng ký nhãn hiệu, thực hiện quy trình chứng nhận sản phẩm được gắn nhãn hiệu chung. Từ tháng 6/2014 bắt đầu đính nhãn hiệu vào sản phẩm đạt tiêu chuẩn sử dụng và khởi động chiến dịch quảng bá, nâng cao nhận thức cho các nhà sản xuất về việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.
Ngoài ra, hội thảo còn thảo luận các vấn đề liên quan đến cấu trúc thương hiệu, cơ chế quản lý, đối tượng sử dụng thương hiệu, cơ chế tài chính và việc quảng bá để thương hiệu có thể mang lại lợi ích chung cho cộng đồng, hỗ trợ bảo vệ di sản và phát triển một cách bền vững…
Hội thảo tham vấn xây dựng cơ chế quản lý thương hiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ tỉnh Quảng Nam là một trong những hoạt động nhằm hiện thực hóa mục tiêu chiến lược của tỉnh Quảng Nam là hướng đến xây dựng một điểm đến chất lượng cao với các sản phẩm du lịch, dịch vụ độc đáo và sự trải nghiệm du lịch dựa trên ưu thế nổi bật toàn cầu của các giá trị văn hóa.
Phạm Phương