Triển vọng cho ngành Du lịch Quảng Ninh
Cập nhật: 06/11/2013
Nghị quyết số 07-NQ/TƯ, ngày 24-5-2013 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch Quảng Ninh giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030 đã chỉ rõ:

“Xây dựng Quảng Ninh thành một trung tâm du lịch quốc tế, một trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia, có hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, có chất lượng cao, thương hiệu mạnh mang đậm bản sắc văn hoá các dân tộc trong tỉnh, có năng lực cạnh tranh với các nước trong khu vực và quốc tế; thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực thúc đẩy phát triển KTXH nhanh, bền vững và bảo đảm quốc phòng - an ninh”.

Hướng đến mục tiêu này, Quảng Ninh đang rất nỗ lực thực hiện các giải pháp, mang đến những triển vọng mới để ngành Du lịch phát triển.

Theo báo cáo của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Quảng Ninh, hoạt động du lịch Quảng Ninh cho đến thời điểm này đã có bước phát triển khá mạnh. Điều này được minh chứng qua tổng số khách du lịch đến Quảng Ninh hàng năm tăng bình quân 11,8%, trong đó, khách quốc tế tăng 13,5%; tổng doanh thu du lịch tăng bình quân 24,5%. Riêng 10 tháng năm 2013, Quảng Ninh đón trên 6,5 triệu lượt khách, đạt 87,4% kế hoạch năm và tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, khách quốc tế trên 2 triệu lượt, đạt 77,5% kế hoạch và tăng 2% so với cùng kỳ năm trước; khách lưu trú trên 3 triệu lượt, tăng 2,8% kế hoạch và tăng 18% so với cùng kỳ. Hiện, toàn tỉnh cũng đã phát triển với gần 1.000 cơ sở lưu trú du lịch. Ngành “công nghiệp không khói” này cũng đã giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động.

Để có được bước phát triển và tạo sức hút như vậy, không thể phủ nhận những cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương trong thời gian qua trong việc tăng cường công tác quản lý; đổi mới cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho ngành Du lịch phát triển. Đặc biệt, nếu tính trong vòng 10 năm trở lại đây, du lịch Quảng Ninh đã có thêm rất nhiều sản phẩm du lịch phong phú, đặc sắc được hình thành từ chính những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Giờ đây, khách du lịch đến với Quảng Ninh không chỉ một mùa mà là quanh năm; không chỉ thuần tuý là đi tham quan hang động ở Vịnh Hạ Long mà còn có thể ngủ đêm trên Vịnh hoặc kết nối tour đến các điểm du lịch sinh thái; du lịch đồng quê để trải nghiệm và khám phá các nét văn hoá đặc sắc. Không gian du lịch ở Quảng Ninh giờ cũng không còn bó hẹp ở các danh thắng như: Vịnh Hạ Long, Yên Tử, Quan Lạn - Minh Châu; Trà Cổ (Móng Cái)… mà còn được mở rộng đến khu di tích lịch sử nhà Trần (Đông Triều); khu di tích Chiến thắng Bạch Đằng (thị xã Quảng Yên); Vịnh Bái Tử Long, Vân Đồn, Cô Tô… Hiện ngành Du lịch Quảng Ninh cũng đang đi theo xu thế hội nhập để phát triển khi ký kết các chương trình hợp tác với một số địa phương khác trong nước như: Hải Phòng, Hà Nội, Lạng Sơn; đặc biệt là mở rộng hợp tác đến tận các địa phương trọng điểm về du lịch của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Tăng “thế” và “lực”

Trong bối cảnh Quảng Ninh xác định, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, du lịch được xác định là một trong những ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn thì nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển phong phú hơn các sản phẩm du lịch là một điều bức thiết. Có lẽ thế, trong năm 2013, tỉnh đã ban hành hàng loạt các văn bản để thực hiện mục tiêu này. Như: Nghị quyết số 07-NQ/TU về phát triển du lịch Quảng Ninh giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030; Kết luận số 29-KL/TU về nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch giai đoạn 2013-2015. Hiện tại, tỉnh cũng đang tích cực chỉ đạo các ngành liên quan triển khai xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Quảng Ninh giai đoạn 2013-2020, định hướng đến 2030.

Nhưng có lẽ, dấu ấn quan trọng và cũng là cơ hội gợi mở cho những mục tiêu của Quảng Ninh sớm trở thành hiện thực phải kể đến buổi làm việc của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh với Bộ VHTTDL do Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh làm trưởng đoàn, ngày 15-10-2013 vừa qua. Và mới đây nhất, ngày 31-10-2013, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Thị Thu Thuỷ cùng đoàn cán bộ của tỉnh cũng đã có buổi làm việc với Tổng cục Du lịch để bàn về giải pháp tăng cường công tác quản lý lữ hành và đón khách du lịch Trung Quốc tới Quảng Ninh. Ở cả 2 buổi làm việc này, những đề xuất, kiến nghị của tỉnh đều được lãnh đạo Bộ, Tổng cục Du lịch ủng hộ. Chẳng hạn như: Bộ VHTTDL sẽ hỗ trợ Quảng Ninh triển khai các thủ tục cần thiết để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng Trung tâm thể thao vùng Đông Bắc. Hạng mục này ngoài việc phục vụ cho hoạt động thể dục, thể thao còn có thể đưa vào khai thác du lịch gắn với những địa danh, sản phẩm đã có. Hay như ủng hộ Quảng Ninh chủ trì và ban hành quy chế tạm thời đặc thù thí điểm quản lý hoạt động lữ hành đón khách du lịch Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái, sau khi có ý kiến đồng ý của Thủ tướng Chính phủ. Ủng hộ Quảng Ninh tổ chức loại hình sản phẩm du lịch: Tổ chức đón khách du lịch Trung Quốc sử dụng xe ô tô tự lái nhập cảnh vào Việt Nam tham quan qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái; thành lập Cảnh sát du lịch; hỗ trợ Quảng Ninh trong công tác đào tạo và phát triển nhân lực cho ngành Du lịch…

Có thể thấy, sự ủng hộ của Bộ VHTTDL cũng như Tổng Cục du lịch là những điều kiện rất thuận lợi để các cấp, ngành của tỉnh thực hiện thành công, quyết tâm nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch để đến năm 2015, Quảng Ninh sẽ thu hút được từ 8 đến 9 triệu lượt khách du lịch; trong đó, khách quốc tế đạt 3,5 đến 4 triệu lượt; thời gian lưu trú bình quân của khách đạt từ 1,8 đến 2 ngày/khách; chi tiêu bình quân của du khách đạt 90 đến 100 USD/khách; ngành kinh tế du lịch đóng góp từ 9 đến 10% vào GDP toàn tỉnh.

Báo Quảng Ninh