Nhằm tạo thêm việc làm, nâng cao mức sống cho người lao động nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, thành phố Cần Thơ vừa phê duyệt quy hoạch phát triển làng nghề đến năm 2020 với mục tiêu phát triển 32 làng nghề tại các quận Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt, huyện Phong Điền, Vĩnh Thạnh.
Theo đó, thành phố ưu tiên phát triển các ngành nghề: mành trúc, may thêu, mộc dân dụng, sản xuất gạch ngói, nấm rơm, bánh kẹo, bánh tráng, khâu nón, dệt chiếu, đan thúng, rổ, đan lục bình, hàng thủ công mỹ nghệ từ tre, mây, trúc phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Trước mắt, Cần Thơ quy hoạch, xây dựng 8 làng nghề tại quận Ô Môn và Thốt Nốt. Từ năm 2016 đến năm 2020 phát triển thêm 24 làng nghề khác.
|
Gốm sứ Cần Thơ |
Để làng nghề phát triển ổn định, Cần Thơ khuyến khích các tổ chức, cá nhân và cơ sở ngành nghề nông thôn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng làng nghề, cụm cơ sở ngành nghề nông thôn. Đồng thời hỗ trợ đầu tư hạ tầng làng nghề và ngoài hàng rào các cụm cơ sở ngành nghề nông thôn. Với các cơ sở ngành nghề nông thôn có dự án đầu tư có hiệu quả sẽ được tạo điều kiện thuận lợi về giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất tại các cụm cơ sở ngành nghề nông thôn và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Đặc biệt, Cần Thơ sẽ dành ngân sách địa phương hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và xử lý môi trường cho các làng nghề, cụm cơ sở ngành nghề nông thôn. Với các dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả sẽ được hưởng ưu đãi đầu tư theo Luật Đầu tư; hỗ trợ lãi suất sau đầu tư theo quy định hiện hành; vay vốn từ quỹ hỗ trợ giải quyết việc làm đồng thời sẽ được bảo lãnh vay vốn tại các tổ chức tín dụng. Đã có hàng trăm hộ làm nhang, đan lợp, bánh tráng, hủ tíu, bún trong tỉnh được vay ưu đãi trên 2 tỷ đồng mua nguyên liệu sản xuất.
Ngoài ra, Cần Thơ cũng tăng cường thông tin thị trường, tổ chức cho các làng nghề mở rộng hoạt động dưới hình thức tổ liên kết, câu lạc bộ, hợp tác xã, đồng thời gắn hoạt động của các làng nghề với du lịch nhằm tăng sức hấp dẫn và thu nhập cho người lao động.
Từ đầu năm đến nay, các làng nghề đã thu hút trên 100.000 khách du lịch trong ngoài nước đến tham quan. Sản phẩm mây, tre, lá buông, gốm sứ được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, trong đó xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Anh, Pháp đạt 800.000 USD.