Thời gian qua, bảo tàng Nam Định đã tập trung đổi mới công tác trưng bày các hiện vật lịch sử qua các thời kỳ; tổ chức các hoạt động trưng bày, triển lãm cổ vật có giá trị, đồng thời kết nối bảo tàng với các di sản văn hóa, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tham quan học tập của công chúng, góp phần phát triển du lịch.
Bảo tàng tỉnh có khuôn viên rộng 12.000 m2, trong đó 5.500m2 khu trưng bày được bố trí, sắp xếp khoa học với gần 20 nghìn tài liệu, hiện vật gồm các hiện vật: thể khối, chất liệu giấy, tham khảo, phim ảnh và hàng nghìn đầu sách, báo, tư liệu về các lĩnh vực tự nhiên, xã hội, các giai đoạn lịch sử phát triển của tỉnh. Phần trưng bày ngoại thất bao gồm các tác phẩm nghệ thuật, điêu khắc đá từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XX; các hiện vật được thám sát, khai quật tại các di tích, di chỉ khảo cổ trong tỉnh và nhóm vũ khí, khí tài quân sự bảo vệ tỉnh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Phần trưng bày nội thất được xây dựng khoa học, công phu, phản ánh cơ bản quá trình hình thành và phát triển của mảnh đất, con người Nam Định (các hiện vật từ thời kỳ văn hóa Đông Sơn, thời kỳ Bắc thuộc, các triều đại phong kiến, thời kỳ cách mạng kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ). Nhiều bộ sưu tập hiện vật quý hiếm, dày công sưu tầm được nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan đánh giá cao. Ông Phạm Thế Sơn, 74 tuổi cùng cháu nội đang ngắm các hình ảnh, tư liệu, hiện vật về bảo tháp Chương Sơn được vua Lý Nhân Tông xây dựng trên đỉnh núi Ngô Xá, xã Yên Lợi (Ý Yên) cho biết: “Là người Nam Định hiện đang sinh sống ở Hà Nội nhưng mỗi lần về thăm quê hương, tôi đều dành thời gian dẫn các cháu đến bảo tàng tỉnh tham quan, tìm hiểu những bộ sưu tập cổ vật được trưng bày tại bảo tàng”. Qua cách trưng bày của bảo tàng tỉnh đã làm nổi bật các giá trị lịch sử, văn hóa của các bộ sưu tập giúp người xem hiểu hơn về lịch sử truyền thống và những định hướng trong tương lai. Như bộ hiện vật đất nung thời Lý, đồ dùng sinh hoạt và vật liệu kiến trúc thời Trần, đồ gốm thời Lê - Mạc, điêu khắc gỗ và đồ đồng thời hậu Lê, hình ảnh về thành Nam xưa, sa bàn quy hoạch kinh tế - xã hội của tỉnh Nam Định đến năm 2020, tầm nhìn 2030… Ngoài ra, trong khuôn viên bảo tàng còn có di tích Cột cờ Nam Định (một trong các cột cờ trên cả nước được triều Nguyễn cho xây dựng đầu thế kỷ XIX) cao gần 24m, phía nam đặt hai khẩu súng thần công, phía đông có đền thờ Bà chúa Cột cờ (Giám thương công chúa Nguyễn Thị Trinh, liệt nữ anh hùng có công bảo vệ cột cờ và kho lương trong thời kỳ chống Pháp cuối thế kỷ XIX) và các liệt sĩ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp để bảo vệ thành cổ Nam Định cùng với khu trưng bày một số tư liệu, hình ảnh về thành Nam xưa.
Đồng chí Nguyễn Văn Thư, giám đốc bảo tàng tỉnh cho biết: nhằm phát huy tốt nhất giá trị di sản văn hóa hiện đang lưu giữ, trưng bày, bảo tàng Nam Định đã thực hiện đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, nhằm tạo dấu ấn và thu hút khách tham quan. Bên cạnh đó, thực hiện sự phối hợp giữa ngành VHTTDL và ngành Giáo dục và đào tao, thời gian qua bảo tàng tỉnh đã tổ chức cho gần 6.000 học sinh của 30 trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn thành phố Nam Định đến tham quan, tìm hiểu lịch sử, truyền thống cách mạng của quê hương. Ngoài ra, từ nhiều năm nay, bảo tàng tỉnh phối hợp với Hội cổ vật Thiên Trường duy trì hoạt động gặp mặt, giao lưu các hội viên vào mùng 7 Tết nguyên đán để tạo cơ hội giao lưu, quảng bá những di vật, cổ vật giàu giá trị văn hóa - lịch sử, động viên phong trào sưu tầm, giữ gìn bảo vệ cổ vật trong nhân dân. Trong dịp chào mừng kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định, Bảo tàng tỉnh đã phối hợp với Hội cổ vật Thiên Trường tổ chức triển lãm "Cổ vật tinh hoa khu vực đồng bằng sông Hồng" với 750 cổ vật tiêu biểu trong nước, 175 cổ vật nước ngoài của hàng trăm hội viên Hội cổ vật Thiên Trường và các nhà sưu tầm thuộc các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Hồng. Hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013, vào ngày mùng 7 và 8/1 (âm lịch) năm Quý Tỵ 2013, bảo tàng tỉnh tiếp tục phối hợp với Hội cổ vật Thiên Trường, CLB UNESCO nghiên cứu sưu tầm cổ vật của tỉnh, tổ chức trưng bày trên 1.000 cổ vật có niên đại từ đầu công nguyên đến các triều đại phong kiến Việt Nam trong khuôn viên bảo tàng tỉnh, thu hút, tạo ấn tượng với hàng nghìn du khách trong nước và quốc tế. Bảo tàng tỉnh còn phối hợp với Hội sinh vật cảnh tỉnh kết hợp tổ chức trưng bày cây cảnh nghệ thuật trong khuôn viên bảo tàng; phối hợp với bảo tàng lịch sử Việt Nam trưng bày các chuyên đề về thi đua yêu nước, bác Hồ với Nam Định…; liên kết với Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đưa một số cổ vật tiêu biểu thời đại Trần lên trưng bày tại Hoàng thành Thăng Long để giới thiệu về nét văn hóa Thăng Long, triều đại Trần…đã tạo được nhiều ấn tượng tốt đẹp với du khách trong nước và quốc tế về mảnh đất Thiên Trường - Nam Định. Cùng với việc tuyên truyền, tổ chức trưng bày, bảo tàng tỉnh còn chủ động tìm hiểu, kết nối với các di tích lịch sử văn hóa, các làng nghề, các nhà truyền thống…trên địa bàn tỉnh, tạo các tuyến, điểm phục vụ du khách tham quan. Hiện tại, bảo tàng tỉnh đã xây dựng được nhiều tuyến du lịch như bảo tàng tỉnh - khu di tích đền Trần, chùa Tháp (Tp.Nam Định) - khu di tích Phủ Dầy (Vụ Bản); bảo tàng tỉnh - bảo tàng Đồng Quê (Giao Thủy) - quần thể lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh (Xuân Trường); bảo tàng tỉnh - bảo tàng Dệt may Việt Nam - bảo tàng kỷ vật chiến tranh (Tp.Nam Định); bảo tàng tỉnh - chùa Cổ Lễ (Trực Ninh) - chùa Keo Hành Thiện và nhà lưu niệm đồng chí Trường Chinh (Xuân Trường)... Việc tổ chức các tour du lịch của bảo tàng tỉnh mặc dù mới đưa vào khai thác hơn một năm nhưng đã có gần 5.000 du khách trong và ngoài nước tham gia, bước đầu khẳng định hướng đi đúng trong công tác bảo vệ, phát huy giá trị di tích, hiện vật lịch sử của tỉnh.
Bảo tàng tỉnh đang ngày càng khẳng định vai trò gìn giữ, phát huy giá trị của di sản văn hóa phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu, học tập của nhân dân về di sản văn hóa.