Với mong muốn giới thiệu nét văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc Mường đến với bà con và du khách, Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam đang cố gắng hoàn tất chương trình đưa cồng chiêng Mường cùng ngân vang với Chiếu xẩm vào mỗi dịp cuối tuần.
Theo đó, Chiếu xẩm tối thứ 7 hàng tuần sẽ diễn ra trước cổng chợ Đồng Xuân và sẽ vang lên những âm thanh đặc trưng của cồng chiêng Mường. Đó là sự kiện lạ lùng trong không gian phố cổ thường chỉ có văn hóa kẻ chợ.
Cồng chiêng Mường là một loại hình nghệ thuật đặc sắc gắn liền với đồng bào Mường vùng núi phía bắc, đặc biệt là vùng Tây Bắc Tổ quốc. Một dàn cồng chiêng Mường có 12 chiếc, chia thành ba loại là: chiêng dàm (hay khầm), chiêng bồng (dục bồng, bồng beng), chiêng tlẻ (chiêng chót, bỏng). 12 chiếc trong bộ cồng chiêng có kích thước khác nhau, nhỏ nhất có đường kính khoảng 20cm, lớn nhất là 90cm. Chính sự khác nhau về kích thước đã tạo cho cồng chiêng Mường có nhiều màu âm khác nhau. Cũng như cồng chiêng ở Tây Nguyên, cồng chiêng Mường có vị trí đặc biệt quan trọng đối với đời sống tinh thần của đồng bào Mường.
Tìm ra mối liên quan giữa văn người Mường với người Kinh là khởi điểm trong chuyến đi điền dã khu vực đồng bào Mường ở Hòa Bình của Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam vào đầu năm 2007. Các thành viên trong đoàn điền dã đã nhận thấy ngôn ngữ của người Mường và người Kinh (nhất là ngôn ngữ của các cụ ngày xưa) có nhiều điểm tương đồng, cả về ngữ nghĩa lẫn cách phát âm. Nhìn vào tên gọi của ba loại chiêng cũng có thể nhận biết được sự phân chia này là để phân định âm khu của mỗi loại là trầm, trung và cao. Chiêng dàm hay còn gọi là chiêng khầm tức là âm khu trầm, chiêng bồng (dục bồng, bồng beng) là âm khu trung, còn chiêng chót hay còn gọi là chiêng bỏng là âm khu cao.
Nhận ra nét đặc sắc của văn hóa cồng chiêng Mường nhưng Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam không thể mời cả đoàn nghệ thuật từ Tây Bắc về với Thủ đô, biểu diễn nét độc đáo của âm nhạc cồng chiêng Mường cho bà con Hà Thành. Tuy nhiên, cơ duyên gắn bó giữa cồng chiêng Mường với chiếu xẩm không hẳn đã hết. Cách đây vài tháng, nghệ sĩ Kiều Định trong Đoàn ca múa nhạc Cựu chiến binh - thương binh Hà Nội đã tới thăm Trung tâm và “bật mí” thông tin về anh Thanh Bảo, người đã dựng tiết mục “Đi đường” (một trong những bài hát nổi tiếng của cồng chiêng Mường) và đã đi biểu diễn ở nhiều nơi. Nghệ sỹ Thanh Bảo từng là cán bộ nghiên cứu thuộc Viện Âm nhạc Việt Nam. Suốt một thời gian dài nghệ sỹ Thanh Bảo được Viện Âm nhạc phân công đi sưu tầm và nghiên cứu cồng chiêng Mường.
Sau khi đại diện Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam trao đổi, mời anh Thanh Bảo cộng tác thì ước mong đã thành hiện thực. Sự sắc nét và độc đáo của ca khúc “Đi đường” chính là hình ảnh 12 cô gái Mường xinh xắn cầm 12 chiếc của bộ cồng chiêng, tượng trưng cho 12 tháng của một năm. Bài hát là lời chúc phúc, cầu may cho suốt 12 tháng trong năm mới được mạnh khỏe, hạnh phúc, thóc gạo đầy nhà. Chỉ có điều, vì nguồn kinh phí có hạn nên tiết mục “Đi đường” khi đến với khán giả ở Chiếu xẩm phố cổ Hà Thành sẽ không do 12 cô gái Tây Bắc xinh đẹp mà là các nghệ sĩ của đoàn cựu chiến binh và các anh chị em nghệ sỹ trong Trung tâm cùng kết hợp thể hiện. Trước mắt, nghệ sỹ Thanh Bảo sẽ giảng dạy cách thức chơi cồng chiêng cho các nghệ sỹ của Trung tâm Phát triển âm nhạc Việt Nam. Sau khi thuần thục, dự kiến vào đầu tháng 7 năm 2008, “Đi đường” sẽ ra mắt công chúng.