Việt Nam tham dự Diễn đàn Du lịch ASEAN 2014 tại Malaysia
Cập nhật: 21/01/2014
Trong thời gian từ ngày 16-23/01/2014, tại Kuching, Sarawak, Malaysia diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN (ATF) 2014 với chủ đề “ASEAN – Cùng thúc đẩy phát triển du lịch”. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ Anh Tuấn tham dự Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN và các nước đối tác; Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hoàng Thị Điệp tham dự các phiên họp cơ quan du lịch quốc gia.

Các hoạt động chính trong khuôn khổ ATF bao gồm Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 17, các phiên họp cơ quan du lịch quốc gia ASEAN, các Hội nghị và Hội chợ Du lịch quốc tế Travex.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ Anh Tuấn tham dự Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN và các nước đối tác

Tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 17, Bộ trưởng các nước đánh giá cao các kết quả đạt được trong hợp tác du lịch ASEAN và cam kết nỗ lực hơn nữa để đạt được các mục tiêu của Chiến lược phát triển du lịch ASEAN 2011-2015, góp phần vào nỗ lực chung của các nước trong việc thành lập Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Đồng thời, các Bộ trưởng thống nhất chuẩn bị xác định tầm nhìn và Chiến lược phát triển du lịch ASEAN giai đoạn 2016-2020. Hội thảo về vấn đề này sẽ được tổ chức vào đầu năm 2014 tại Singapore. Bên cạnh các phiên họp và hội nghị giữa các nước ASEAN còn có các phiên họp tham vấn với Tổ chức Du lịch thế giới, Trung tâm ASEAN-Trung Quốc, Trung tâm ASEAN-Nhật Bản, Trung tâm ASEAN-Hàn Quốc, Hiệp hội Lữ hành châu Á Thái Bình Dương, Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới, họp Nhóm công tác phát triển du lịch ASEAN-Ấn Độ. Những năm qua, ASEAN nhận được sự quan tâm của nhiều nước đối tác và tổ chức quốc tế, mong muốn hợp tác, cùng thúc đẩy phát triển du lịch giữa các bên.

Tại cuộc họp các cơ quan du lịch quốc gia lần thứ 39, Lãnh đạo các cơ quan du lịch quốc gia ASEAN đã điểm lại các kết quả và hoạt động hợp tác cụ thể trong năm 2013. Theo thống kê sơ bộ, lượng khách du lịch quốc tế đến ASEAN đạt gần 100 triệu lượt, tăng hơn 10% so với năm 2012. Năm 2013, theo định hướng đề ra tại Chiến lược phát triển du lịch ASEAN 2011-2015, hợp tác du lịch ASEAN đã đạt được những kết quả quan trọng, hướng tới hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015, đặc biệt đối với các lĩnh vực: (1) Đẩy mạnh các chương trình du lịch liên kết ASEAN thông qua liên kết sản phẩm và marketing du lịch chung; (2) Xây dựng các bộ tiêu chuẩn du lịch ASEAN và quy trình chứng nhận đối với sản phẩm/dịch vụ du lịch; và (3) Thực hiện Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN về lao động du lịch.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hoàng Thị Điệp tham dự các phiên họp cơ quan du lịch quốc gia

Về các chương trình du lịch liên kết ASEAN, 130 sản phẩm du lịch ASEAN đã được các quốc gia xây dựng theo các nhóm chuyên đề: Du lịch thiên nhiên; Du lịch văn hóa và di sản; Du lịch cộng đồng; và Du lịch đường biển và đường sông. Những sản phẩm du lịch nêu trên kết nối ít nhất 02 nước ASEAN dựa trên các sản phẩm cụ thể được các nước xác định. Chiến lược marketing du lịch ASEAN 2012-2015 đã được triển khai mạnh mẽ với nhiều hoạt động cụ thể, tiêu biểu như xây dựng các chiến lược nhằm khai thác các thị trường Trung Quốc và Ấn Độ, khách du lịch trải nghiệm và sáng tạo, khách du lịch khám phá, khách du lịch công vụ, khách du lịch lưu trú dài ngày và người cao tuổi. Những chiến lược này đã và sẽ liên tục được triển khai với các hoạt động gắn với xây dựng sản phẩm và marketing du lịch chung.

Đối với các tiêu chuẩn du lịch chung ASEAN, đến nay các nước đã thống nhất về tiêu chuẩn và hướng dẫn thẩm định đối với tiêu chuẩn khách sạn xanh ASEAN, cơ sở lưu trú nhà dân ASEAN, nhà vệ sinh công cộng ASEAN, dịch vụ Spa ASEAN và tiêu chí, tiêu chuẩn và cơ chế thực hiện đối với tiêu chuẩn thành phố du lịch sạch ASEAN. Hiện nay, các nước đang xây dựng tiêu chuẩn du lịch cộng đồng, hướng dẫn an ninh và an toàn du lịch ASEAN cho các khách sạn và khu nghỉ dưỡng và lộ trình du lịch ASEAN ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thực hiện Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN về nghề du lịch (gọi tắt là MRA-TP) là thành tựu nổi bật trong hợp tác du lịch ASEAN. Với sự giúp đỡ của Chính phủ Úc, các tiêu chuẩn năng lực/kỹ năng nghề chung ASEAN đối với các nhóm nghề du lịch cơ bản đã được xây dựng với chương trình đào tạo và các bộ công cụ hướng dẫn cụ thể. Hiện nay, đội ngũ đào tạo viên và thẩm định viên nghề du lịch ASEAN đang được hình thành, nhân rộng để đào tạo và thẩm định lao động của các nước ASEAN theo tiêu chuẩn chung. Những lao động du lịch được cấp chứng chỉ và đăng ký trong hệ thống chung lao động ASEAN sẽ có nhiều thuận lợi trong việc tìm kiếm cơ hội việc làm trong thị trường lao động du lịch chung ASEAN. Dự kiến đến năm 2015, Ban thư ký về nghề du lịch ASEAN sẽ được thành lập riêng để quản lý và thúc đẩy các hoạt động trong khuôn khổ MRA-TP.

Trong thời gian vừa qua, du lịch Việt Nam đã tham gia tích cực, toàn diện và có những đóng góp quan trọng đối với du lịch ASEAN. Trong lĩnh vực đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch, với sự giúp đỡ của Dự án tăng cường năng lực phát triển du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ, Việt Nam đã chủ trì xây dựng Sách hướng dẫn thực hiện Thỏa thuận công nhận lẫn nhau đối với các nghề du lịch ASEAN. Từ năm 2013, Việt Nam đã đảm nhiệm vai trò Trưởng nhóm công tác Marketing và Truyền thông, phát huy vai trò chủ động, tích cực trong hợp tác du lịch ASEAN, được các nước đánh giá cao. Bên cạnh đó, Việt Nam đang chủ trì nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch đường sông ASEAN, với sự hỗ trợ, hợp tác của Tổ chức Du lịch thế giới, Malaysia và các nước ASEAN.

Bài và ảnh: Lê Tuấn Anh 

Vụ Hợp tác Quốc tế - TCDL