Tối 12/2/2014, Lễ hội Chùa Ông (Thất phủ cổ miếu) xã Hiệp Hòa, TP. Biên Hòa lần thứ 2 - năm 2014 đã kết thúc với nghi thức Lễ thả hoa đăng trên sông Đồng Nai.
Lễ hội Chùa Ông lần 2 - năm 2014, khai mạc ngày 09/02/2014 (nhằm ngày 10 tháng Giêng năm Giáp Ngọ) tại di tích cấp quốc gia Thất phủ cổ miếu (chùa Ông, xã Hiệp Hòa, TP. Biên Hòa). Lễ hội chùa Ông năm nay diễn ra từ ngày 09 - 12/2/2014 (ngày 10 -13 tháng Giêng năm Giáp Ngọ) với các hoạt động như: Lễ nghinh thần, biểu diễn thư pháp, biểu diễn lân sư rồng, võ thuật cổ truyền, chương trình biểu diễn tuồng cổ, thả đèn hoa đăng trên sông Đồng Nai...
Lễ hội mang đến cho đông đảo nhân dân địa phương, du khách thập phương những trải nghiệm thú vị về quá trình hình thành, tồn tại và phát triển của di tích Thất phủ cổ miếu cũng như vùng đất Cù lao Phố qua hoạt cảnh “Trần Thượng Xuyên khai hoang lập đất Cù lao Phố” với sự dàn dựng của NSND Giang Mạnh Hà – Trưởng đoàn Nghệ thuật Cải lương tỉnh Đồng Nai. Đây là dịp để nhân dân và du khách chiêm bái, bày tỏ lòng tri ân đến các bậc tiền nhân có công tạo dựng và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. Bên cạnh đó, Lễ hội thể hiện nét đẹp trong giao lưu văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở địa phương.
Lễ hội Chùa Ông năm nay thu hút đông đảo du khách không chỉ người dân Đồng Nai, mà còn nhiều du khách ở các vùng lân cận như Bình Dương, Bình Phước, Thành phố Hồ Chí Minh… dự lễ hội, cúng bái và cầu bình an. Chùa Ông hay Thất phủ cổ miếu, miếu Quan Đế là một trong những cơ sở tín ngưỡng cổ kính của người Hoa được người dân địa phương gọi là Chùa Ông. Đây là một di tích lịch sử kiến trúc khá độc đáo được xây dựng vào năm 1684.
Theo các sử liệu, Chùa Ông là “…một miếu điện nguy nga ở phía nam châu Đại Phố huyện Phước Chính, trông ra sông Phước Long, đền đài rộng rãi, tráng lệ với hai Hội quán Phước Châu và Quảng Đông…”. Châu Đại Phố vốn là thương cảng Cù lao Phố xưa, Phước Long giang chính là tên gọi của sông Đồng Nai trước đây và huyện Phước Chính xưa rộng lớn mà địa phận thành phố Biên Hòa nay nằm trong phạm vi đơn vị hành chính. Cộng đồng người Hoa do Trần Thượng Xuyên đến Biên Hòa có công tạo dựng nên cơ sở tín ngưỡng này.
Tổng thể kiến trúc của di tích có kiểu hình chữ khẩu được bố trí theo “nội công ngoại quốc”. Trong chùa lưu giữ một tập hợp tượng thờ về hệ thống thần linh chính yếu của người Hoa sinh sống trên đất Biên Hòa. Đó là tín ngưỡng thờ Quan Công/ Quan Thánh đế quân, thờ Bà Thiên Hậu, Mẹ Sanh mẹ Độ, Phúc thần, Tài thần... Nội thất chùa được trang trí với những mảng kiến trúc đa dạng như bao lam, liễn đối, khám thờ được chạm trổ tinh tế, thể hiện những điển tích, hình ảnh của các thần linh, vật linh, cảnh trí, sinh hoạt… trong quan niệm của người Hoa. Bên cạnh đó là những mảng văn tự chữ Hán biểu thị với trình độ chạm khắc tinh xảo, thủ pháp nghệ thuật tinh tế. Phía sau chánh điện là lầu thờ Quan Âm, được xây dựng vào năm 1927, sau này được tôn tạo mới và phối thờ nhiều tượng thờ có tính dung hợp dân gian.
Kiến trúc bên ngoài của di tích là một công trình nghệ thuật khá độc đáo và thể hiện nét đặc trưng của cơ sở tín ngưỡng Hoa. Hai tượng ông Nhật, bà Nguyệt đặt trên bờ nóc tiền điện là một trong những đặc trưng cơ bản tạo nên nghi dung của một ngôi chùa Hoa. Bên cạnh đó, trên mái chùa là một quần thể tượng gốm liên hoành, sắc sảo. Những mảng tượng gốm với các đề tài lễ hội tiêu biểu như hát tuồng, múa cung đình, đá cầu, chuyện tích dân gian… được thể hiện sinh động. Những mảng chất liệu bằng đá được thiết kế bằng các tượng thú, hoa văn mỹ thuật đa dạng vừa là cấu kiện của kiến trúc vừa là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc làm cho chùa độc đáo so với các di tích tín ngưỡng trên vùng Cù lao Phố.
Kể từ khi xây dựng đến nay, chùa Ông đã trải qua nhiều đợt trùng tu, tôn tạo. Đặc biệt, năm 2009 - 2010, di tích được trùng tu lớn. Là một cơ sở tín ngưỡng có niên đại khá sớm, đồng thời với kiến trúc hiện tồn độc đáo trên vùng đất vốn phát triển sầm uất với tính chất cảng thị lớn của Nam Bộ, chùa Ông - miếu Quan Đế là điểm thu hút nhiều du khách đến tham quan, nghiên cứu. Hàng năm, vào các dịp lễ hội, nhiều người đến chiêm bái, cầu lộc cả một mạn nam bờ sông Cù lao Phố.
Chùa Ông được xếp hạng di tích cấp quốc gia theo quyết định số 04/2001/QĐ - BVHTT của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) ngày 19 tháng 02 năm 2001.