Sự kiện Đờn ca tài tử (ĐCTT) được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại kết hợp với sự kiện văn hóa Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất - Bạc Liêu 2014, được xem là “cơ hội vàng” để Bạc Liêu trở thành điểm thu hút khách tham quan du lịch. Hiện tại, nhiều hãng lữ hành đã có kế hoạch liên kết tour tuyến để đưa khách về đây…
Sức sống mới từ ĐCTT
Những câu rao đờn, tiếng ca êm mượt hay giọng ngân, xuống xề ngọt lịm… tất cả đã tạo nên nét độc đáo riêng của ĐCTT. Vượt thời gian và không gian, ĐCTT nay đã trở thành “món ăn” tinh thần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của một bộ phận dân cư. Không những thế, ĐCTT được xem là bước vào thời kỳ hưng thịnh trong nền âm nhạc cổ lẫn đương đại. Nói như thế để thấy rằng, khi ĐCTT chính thức được công nhận trong sự kiện vào ngày 5/12 vừa qua, thì Bạc Liêu nói riêng, 21 tỉnh, thành nói chung, đã chính thức bước vào giai đoạn mới của nền “công nghiệp không khói”. Du lịch sẽ phát triển vượt trội nếu như ĐCTT được đầu tư bài bản và chuyên nghiệp hơn - đó là nhận định của một số hãng lữ hành khi nói về việc “ứng dụng” ĐCTT vào phát triển du lịch.
Không riêng gì các hãng lữ hành miền Tây, mà các hãng lữ hành miền Bắc và miền Trung cũng sẽ có điều kiện khai thác sản phẩm này hơn. Ông Đoàn Hải Đăng, Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel khu vực miền Tây, cho biết: “Đa số khách ở khu vực TP. HCM và miền Trung có hứng thú với các tour có ĐCTT hơn, bởi họ có ít thông tin về sản phẩm du lịch này và ở khá xa Bạc Liêu; còn khách tại TP. Cần Thơ thì có xu hướng tự đi vì khoảng cách địa lý gần. Chúng tôi đã lên kế hoạch sắp xếp chào bán các tour từ đầu tháng 1/2014. Chỉ cần chờ gần đến khi diễn ra Festival ĐCTT thì sẽ thống kê lại số lượng khách đăng ký”.
Tương tự như vậy, một số công ty lữ hành khác cũng có kế hoạch cho riêng mình để chào bán tour cho du khách. Theo bà Huỳnh Thị Thúy Kiều, Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ lữ hành An Giang thì Công ty này đang liên tục làm tour đưa khách về Bạc Liêu, chứ không đợi đến khi diễn ra sự kiện quan trọng như Festival. Cho nên, khi diễn ra Festival thì nhất định sẽ có nhiều tour của Công ty đưa khách về Bạc Liêu”.
Tuy nhiên, theo các hãng lữ hành, có lẽ do đây là lần đầu tiên đăng cai tổ chức sự kiện lớn như thế, nên công tác quảng bá và xúc tiến có phần chưa chuyên nghiệp. Ông Đoàn Hải Đăng cho rằng: “Ngay dịp lễ nào chúng tôi cũng có tour Cần Thơ - Bạc Liêu - Cà Mau để chào bán cho khách. Thế nhưng, đến thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa có nhiều thông tin về sự kiện Festival. Đó là điều chúng tôi cần để kịp thời cập nhật trên mạng nội bộ của hệ thống Vietravel nhằm cung cấp thông tin cần biết cho du khách”.
Bạc Liêu chuẩn bị gì?
Trước cơ hội để du lịch Bạc Liêu cất cánh như thế thì động thái chuẩn bị để quảng bá du lịch và sẵn sàng đón khách là điều cấp thiết. Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bạc Liêu - Nguyễn Vũ cho biết: Hiện tại Sở đã có kế hoạch sẵn sàng cho công tác xúc tiến du lịch sắp tới. Cụ thể là chủ động trao đổi với Hiệp hội Du lịch ĐBSCL để tổ chức hội nghị tổng kết công tác Hiệp hội năm 2013 và triển khai hoạt động năm 2014. Tại đây, Sở sẽ mời các công ty lữ hành đến tham dự để các công ty lữ hành hình dung các hoạt động chính của Festival mà lập kế hoạch sắp xếp tour. Đồng thời còn giới thiệu một số điểm du lịch mới của Bạc Liêu để các hãng lữ hành có thêm thông tin chào bán tour cho du khách như: Khu du lịch biển nhân tạo; nhà trưng bày hiện vật về cuộc đời của Công tử Bạc Liêu… Ngoài ra, chúng tôi sẽ tham mưu cho Ban chỉ đạo, Ban tổ chức Festival, UBND tỉnh cùng tiểu ban hoạt động và xúc tiến đầu tư có kế hoạch thực hiện một số công trình gắn với quảng bá du lịch từ đây cho đến khi Festival diễn ra.
Như vậy, công tác chuẩn bị đã sẵn sàng. Ngoài những công việc đã được lên lịch, một số mặt cũng cần phải chuẩn bị ngay từ bây giờ như: tiến hành bồi dưỡng cho đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh; tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ các khu, điểm du lịch, các cơ sở lưu trú phục vụ du khách…