Ông Hồ Ngọc Tấn, phó giám đốc Sở văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cho biết, nhằm khai thác tối đa tiềm năng lợi thế du lịch địa phương, địa phương đã quyết định xã hội hoá để tạo điều kiện và cơ hội cho doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư các khu du lịch trọng điểm của tỉnh.
|
Tỉnh ưu tiên khai thác khu du lịch Đất Mũi, Hòn Khoai, Hòn Đá Bạc, Khai Long, trong đó Đất Mũi và Hòn Đá Bạc được xem là khu du lịch tiềm năng nhất.
Hình thức đầu tư cũng được tỉnh đa dạng hoá theo hướng trọn gói, liên doanh, liên kết, hợp tác tuỳ vào khả năng, điều kiện và sở trường của nhà đầu tư. Không phân biệt doanh nghiệp tư nhân và nhà nước, nhưng với điều kiện là nhà đầu tư phải có năng lực tài chính, chuyên môn và uy tín.
Du lịch tỉnh Cà Mau là du lịch sinh thái lâu nay được đánh giá là hấp dẫn du khách trong nước và nước ngoài. Thế nhưng, từ trước đến nay vẫn chưa được đầu tư khai thác tốt, rất lãng phí do thiếu vốn đầu tư, chưa có chiến lược phát triển du lịch dài hạn, chưa có nguồn nhân lực chuyên ngành du lịch. Trong 10 năm qua, mỗi năm Cà Mau chỉ đầu tư vài chục tỷ đồng, con số quá nhỏ so với yêu cầu thực tế, từ đó du lịch chậm phát triển. Năm 2013, Cà Mau thu hút chỉ 150.000 lượt khách với doanh thu 150 tỷ đồng. Năm 2014 chỉ tiêu là thu hút 190.000 lượt khách du lịch, doanh thu 200 tỷ đồng. Đây là con số còn quá khiêm tốn so với tiềm năng và lợi thế của du lịch Cà Mau.
Theo tính toán của các chuyên gia, nếu được đầu tư tốt, chỉ cần khai thác 2 khu du lịch Đất Mũi và Hòn Đá Bạc, mỗi năm tỉnh cũng đón hàng trăm nghìn lượt khách với doanh thu hàng trăm tỷ đồng. Triển vọng về khu du lịch Đất Mũi là rất lớn. Hiện nay trung ương và địa phương đã đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng để đầu tư cầu, đường về Đất Mũi và dự kiến cuối năm 2015 sẽ hoàn thành. Với việc đầu tư này cùng với hàng chục nhà đầu tư khác đang được cấp phép đầu tư, tin tưởng du lịch Cà Mau sẽ khởi sắc trong tương lai gần.