Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tiền Giang, năm 2014, địa phương này sẽ đầu tư 430 tỷ đồng để phát triển du lịch, trong đó chú trọng phát huy tiềm năng du lịch sinh thái nhằm thu hút trên 633 nghìn lượt khách quốc tế và trên 752 nghìn lượt khách nội địa, với tổng doanh thu từ du lịch trên 376 tỷ đồng.
|
Chạy dọc sông Tiền tới vùng biển Đông, với chiều dài 120km, tỉnh Tiền Giang đã hình thành ba vùng sinh thái tự nhiên khá thuận lợi để phát triển du lịch. Những năm qua, các cấp, ngành và địa phương của tỉnh này đã phát huy lợi thế tiềm năng hiếm có để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Trong năm 2013, ngành du lịch Tiền Giang đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và những yếu tố bất lợi đã tác động mạnh đến hoạt động kinh doanh du lịch. Tuy nhiên, trong năm 2013, ngành du lịch Tiền Giang vẫn đón 1,2 triệu lượt khách, tăng 9,31% so với năm 2012, trong đó, có 586.692 lượt khách quốc tế, tăng 8,16% so với năm 2012 và 691.203 lượt khách nội địa, tăng 10,31% so với năm 2012. Tổng doanh thu từ du lịch đạt 330 tỷ đồng, tăng 17,41% so với năm 2012.
Ngay trong những tháng đầu của năm 2014, lượng khách du lịch trong nước và quốc tế cũng đã đến với Tiền Giang khá đông, chỉ tính riêng trong dịp Tết nguyên đán Giáp Ngọ 2014, đã có 50 nghìn lượt khách du lịch đến Tiền Giang, tăng 14,4% so với Tết nguyên đán năm trước, trong đó có 14 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước và doanh thu trong những ngày Tết tăng đến 53,5% so với cùng kỳ.
Với lợi thế có vùng sinh thái nước ngọt gồm những kênh rạch đan xen nhau, cùng với vườn cây trái trên các cù lao và vùng dân cư nằm dọc sông Tiền của các huyện như: Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và thành phố Mỹ Tho, nơi đây đã hình thành những khu du lịch sinh thái sông nước miệt vườn nổi tiếng hấp dẫn du khách như: khu du lịch cù lao Thới Sơn, khu du lịch Cái Bè, trong đó cù lao Thới Sơn hiện là trung tâm đón khách du lịch của tỉnh Tiền Giang, mỗi năm đón hơn 300 nghìn lượt khách, trong đó có tới 70% là khách quốc tế.
Bên cạnh đó, Tiền Giang còn có các vùng sinh thái ngập mặn như khu du lịch biển Tân Thành, phục vụ nhu cầu tham quan, nghỉ biển, khu du lịch này trong tương lai, sẽ nối tuyến với bãi biển Vũng Tàu của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và các nơi khác bằng thuyền máy du lịch và thuyền cao tốc.
Ngoài ra, Tiền Giang còn có vùng sinh thái ngập phèn ở huyện Tân Phước là đặc trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long đã hình thành nên khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười với khu trung tâm 100ha và mở rộng vùng đệm xung quanh từ 100ha đến 150ha rừng tràm. Đây là hệ sinh thái ngập phèn độc đáo ở Việt Nam với những loài động vật, thực vật đặc hữu như tràm vó, sao, súng, bàng, lác, chim, cò, trăn, rùa, ong mật..., những loài trên sẽ phục vụ tốt cho công tác nghiên cứu của các nhà khoa học cũng như là nơi tham quan nghỉ dưỡng cho khách du lịch.
Không chỉ có các vùng du lịch sinh thái đặc trưng, Tiền Giang còn phát triển theo hướng du lịch lịch sử - văn hóa và lễ hội dân gian. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, địa phương này hiện có 21 di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia, trong đó có 10 di tích lịch sử - văn hóa đang thu hút mạnh khách du lịch đến tham quan, nghiên cứu như: di tích Rạch Gầm - Xoài Mút, khu di tích Chiến thắng Ấp Bắc, lăng Trương Định, nhà thờ Trương Định, lăng Thủ Khoa Huân, lăng Hoàng Gia, chùa Vĩnh Tràng, khảo cổ Óc Eo Gò Thành.v.v… Đây là những điểm thu hút du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghiên cứu, học tập, đặc biệt là đối với khách du lịch là những người trẻ tuổi, đến tìm hiểu về truyền thống lịch sử anh hùng của đất nước, con người Việt Nam qua các thời kỳ.
Để tăng sức hấp dẫn cho các tour du lịch sinh thái miệt vườn, tham quan phong cảnh sông nước Tiền Giang, tỉnh Tiền Giang đã thường xuyên mở thêm nhiều sản phẩm du lịch mới, có tính hấp dẫn cao, đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài tỉnh, du khách quốc tế như: du thuyền trên sông Tiền, tham quan vườn cây ăn quả đặc sản Tiền Giang, đò chèo trên sông, rạch, nghe đờn ca tài tử, tham quan làng nghề truyền thống, thăm trại rắn Đồng Tâm - nơi có khu nuôi dưỡng rắn độc lớn nhất Đông Nam Á...
Do làm tốt công tác xã hội hóa hoạt động du lịch, nhiều làng nghề truyền thống ở Tiền Giang đã được khôi phục, các phong tục cổ truyền độc đáo tại miệt vườn sông nước Tiền Giang cũng được phát huy. Điển hình như: nghề làm cốm kẹo, làm hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa và những nguyên liệu tại chỗ, nuôi ong mật, sinh hoạt đờn ca tài tử miệt vườn sông nước… tạo nên nét độc đáo trong bản sắc văn hóa ở những điểm du lịch nổi tiếng của Tiền Giang và đã thật sự thu hút du khách.
Cơ sở vật chất hoạt động kinh doanh du lịch của Tiền Giang ngày càng phát triển khá mạnh với hàng chục đơn vị kinh doanh lữ hành, trong đó có các đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế, kinh doanh lữ hành nội địa và kinh doanh vận chuyển khách du lịch. Cùng với đó là hàng trăm hướng dẫn viên du lịch, trên 200 cơ sở lưu trú du lịch, 24 nhà hàng với đầy đủ các phương tiện vận chuyển khách du lịch bằng thuyền máy, đò chèo và ca-nô.
Mục tiêu đến năm 2020 phát triển du lịch Tiền Giang cơ bản trở thành một ngành kinh tế quan trọng. Khả năng đóng góp của ngành kinh tế du lịch trong tổng GDP của tỉnh này đến năm 2015 là 4,54% và đến năm 2020 là 4,62%.
Hiện nay, trung bình mỗi năm, tỉnh Tiền Giang đón trên 1 triệu lượt du khách và là tỉnh được đánh giá là có lượng khách quốc tế đến du lịch, tham quan chiếm tỷ trọng rất cao so với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.