Ðề án Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù TP Cần Thơ giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn 2030 xác định du lịch sinh thái là một trong những sản phẩm cần được chú trọng đầu tư và phát triển. Từ đó, trong những năm qua, ngành Du lịch thành phố khai thác hiệu quả thế mạnh sinh thái.
Khu vực cá tự nhiên tại bè cá Bảy Bon, cồn Sơn, Bình Thủy.
Thay đổi cách xây dựng sản phẩm du lịch
Cần Thơ có diện tích đất nông nghiệp 114.034ha. Trong đó, diện tích sản xuất lúa khoảng 76.000ha, diện tích cây ăn trái khoảng 25.000ha (chuyên canh đến 11.880ha), diện tích thủy sản khoảng 10.000ha. Ðây là tiềm năng và thuận lợi để Cần Thơ phát triển du lịch sinh thái.
Tại Cần Thơ có khá nhiều điểm vườn du lịch sinh thái, trải dài ở các quận, huyện, trong đó tập trung nhiều nhất là ở Phong Ðiền, Bình Thủy, Cái Răng. Bên cạnh các loại trái cây đặc sản địa phương, như dâu Hạ Châu, măng cụt, sầu riêng…, một số điểm vườn cũng mở rộng, trồng nhiều giống cây mới thu hút du khách. Ðiển hình như vườn nho Nhất Tâm Farm (đường Ðinh Công Chánh, phường Long Hòa, quận Bình Thủy) nổi tiếng với giống nho mẫu đơn. Ông Nguyễn Bá Duy, chủ vườn nho Nhất Tâm Farm, cho biết: “Vườn nho hiện có 700-800 gốc nho mẫu đơn, bên cạnh đó còn nhiều giống nho khác như nho ngón tay đen, nho Ninh Thuận… Hiện chúng tôi đang mở rộng vườn, bổ sung thêm dịch vụ để phục vụ, đáp ứng nhu cầu của du khách đến tham quan”.
Trước đây các điểm vườn sinh thái ở Cần Thơ thường bị đánh giá là nhỏ lẻ, trải nghiệm đơn điệu vì đến vườn chỉ có vài hoạt động quen thuộc: tham quan hái trái, thưởng thức các món đồng quê… Tuy vậy trong những năm gầy đây, một số điểm đến có sự đầu tư với đa dạng trải nghiệm. Ðiển hình là ở Cần Thơ Eco Resort (xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Ðiền), với diện tích 20ha, có nhiều trải nghiệm từ tham quan vườn cây đến nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí… thuộc tổ hợp sinh thái: Eco Farm, Eco Wonderland, Eco Safari. Bà Lê Hồng Cẩm, Giám đốc điều hành Cần Thơ Eco Resort, cho biết Cần Thơ Eco Resort được định hướng phát triển theo mô hình sinh thái, nông nghiệp bền vững, trong đó chú trọng giữ nguyên không gian thiên nhiên và yếu tố văn hóa bản địa.
Một số điểm đến cũng phát triển theo hướng trải nghiệm sâu, kết hợp du lịch xanh và bền vững. Ví như tại Mekong Silt Ecolodge (xã Mỹ Khánh, huyện Phong Ðiền) đang thực hiện mô hình du lịch sinh thái theo hướng tuần hoàn. Bà Huỳnh Thị Bích Tuyền, chủ Mekong Silt Ecolodge, cho biết: “Tài nguyên có nhiều nhưng nếu khai thác mà không kết hợp bảo vệ thì sẽ gây tổn hại, nguồn tài nguyên cạn kiệt. Chúng tôi làm du lịch sinh thái theo hướng bền vững với mô hình tuần hoàn. Tại đây sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm sâu về văn hóa bản địa kết hợp bảo vệ môi trường”. Theo đó tại Mekong Silt Ecolodge, du khách sẽ có những trải nghiệm workshop về làng nghề, tái tạo các sản phẩm từ rác (làm xà phòng, nước rửa chén, nước lau sàn…).
Các sản phẩm du lịch sinh thái tại Cần Thơ hiện đã có nhiều mô hình đa dạng, từ tham quan vườn trái cây đơn lẻ đến trải nghiệm sinh thái nghỉ dưỡng, từ vườn nông nghiệp truyền thống đến ứng dụng công nghệ cao, các trải nghiệm sâu theo chuyên đề… đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.
Định hướng phát triển du lịch sinh thái
Xác định du lịch sinh thái là một trong những sản phẩm thế mạnh, ngành Du lịch Cần Thơ cũng xây dựng chiến lược, chương trình đầu tư phát triển loại hình này. Các địa phương đều có quy hoạch phát triển cụ thể. Nổi bật là Phong Ðiền hiện đang lập quy hoạch và định hướng phát triển du lịch sinh thái, trong đó thực hiện phân chia khu vực phát triển vành đai nông nghiệp gắn với vùng phát triển điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với dã ngoại miệt vườn; vùng chuyên canh rau màu tập trung và tham quan làng hoa kiểng, cây cảnh. Ngoài ra còn có các đề án về phát triển du lịch sinh thái ở các cồn, cù lao: Tân Lộc (Thốt Nốt), cồn Sơn (Bình Thủy)… Ngành Du lịch thành phố định kỳ có chuyến đi học hỏi mô hình, cách làm hay ở các địa phương: Ðồng Nai, Lâm Ðồng, Tây Ninh… để tạo điều kiện cho các chủ cơ sở, điểm vườn tiếp cận, học tập đa dạng các mô hình du lịch sinh thái, nông nghiệp. Các mô hình được lựa chọn đều hướng đến nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh, nông nghiệp tự nhiên… và chú trọng việc kết hợp nông nghiệp với xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch đa dạng.
Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, xác định xây dựng và phát triển Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc sông nước vùng ÐBSCL. Trong định hướng phát triển du lịch lâu dài, Cần Thơ xác định phải phát huy bản sắc sông nước gắn với hội nhập xu hướng phát triển xanh, bền vững của du lịch quốc gia, quốc tế. Theo đó, Cần Thơ đã có đề án “Phát triển du lịch nông nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, đang xây dựng đề án “Phát triển du lịch TP Cần Thơ theo hướng sinh thái, gắn với các giá trị văn hóa đặc trưng của địa phương, giai đoạn 2025-2030, định hướng đến năm 2035”. Bên cạnh các quy hoạch, các dự án đầu tư về khu, điểm du lịch sinh thái, Cần Thơ cũng đang xây dựng nhiều cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp, sinh thái, góp phần hình thành hệ thống sản phẩm đặc trưng của thành phố theo hướng bền vững.
Bài, ảnh: Ái Lam