Cuộc tọa đàm “Bảo tồn di sản và phát triển đô thị bền vững” do Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM cùng nhiều đơn vị phối hợp tổ chức ngày 18/3, đã chỉ ra nhiều nguy cơ, thách thức trong công tác bảo tồn di sản đô thị của thành phố hiện nay như không ít công trình thuộc địa và hậu thuộc địa đang tiếp tục bị phá bỏ; việc sử dụng di sản đô thị như một nguồn tài nguyên du lịch còn hạn chế…
|
Dẫn chứng về sự mất dần các giá trị lịch sử và văn hóa vốn có của một thành phố lớn nhất nước, TS. Nguyễn Thị Hậu, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM cho biết, con đường Đồng Khởi nổi tiếng và đẹp nhất Sài Gòn, là địa chỉ văn hóa quen thuộc đã in đậm vào tâm trí nhiều thế hệ người Sài Gòn và cả những người từng đến Sài Gòn. Thế nhưng bây giờ, nhiều người phải rưng rưng nước mắt vì một phần quá khứ của “con đường văn hóa” đã không còn nữa. Các tòa nhà cao tầng xây mới tuy mang lại vẻ hiện đại nhưng đã làm mất đi giá trị lịch sử của con đường này, thế hệ trẻ cũng không còn biết đến di sản đô thị nổi tiếng một thời của thành phố mình đang sống.
Đại diện nhóm liên kết vì phát triển bền vững, bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, mặc dù còn “trẻ” nhưng hệ thống di sản đô thị của TP. HCM khá đa dạng và phong phú. Nhắc lại danh tiếng một thời là “Hòn ngọc Viễn Đông”, bà Ninh cho rằng để đưa được cái hồn của quá khứ vào sức sống hiện đại, TP. HCM cần xác định cho được bản sắc, “thương hiệu” riêng của thành phố, “thương hiệu” đó phải xứng tầm là trung tâm kinh tế, văn hóa và xã hội lớn nhất nước.
Ông Gilles Buna, phó thị trưởng, Ủy viên về Quy hoạch và Chất lượng đô thị của thành phố Lyon (Pháp) chia sẻ, TP. HCM nên lựa chọn những giá trị tạo nên đặc trưng của thành phố để bảo tồn. Ngoài các biệt thự cũ, những tuyến đường, hẻm nhỏ cũng là đặc trưng văn hóa đô thị của TP. HCM. Theo ông Gilles Buna, muốn bảo tồn và phát huy giá trị của di sản đô thị phải có sự thống nhất giữa nhà lãnh đạo, chuyên gia và người dân. Đồng thời có quyết tâm chính trị sẽ vừa bảo tồn được di sản văn hóa, vừa giữ được sức sống kinh tế của một đô thị hiện đại.
TS.KTS Tô Kiên, đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore (SUTD) cho biết, những mâu thuẫn đối nghịch giữa bảo tồn và phát triển đã trở thành tình thế khó xử đối với nhiều nước chứ không riêng gì VN. Chia sẻ sự thành công của Singapore trong việc bảo vệ các công trình lịch sử văn hóa, đạt được sự hài hòa giữa phát triển kinh tế cao và phát triển đô thị nhanh, ông Kiên cho rằng TP. HCM nên tham khảo chiến lược hợp tác công – tư trong bảo tồn di sản đô thị của Singapore. Trước tiên, Nhà nước thực hiện các dự án thí điểm nhằm thể hiện cam kết của chính quyền trong việc bảo tồn di sản đô thị cũng như minh họa về sức sống kinh tế và lợi ích mà di sản mang lại.
Qua đó tạo niềm tin, xây dựng phương pháp và kỹ thuật bảo tồn chuẩn mực để triển khai sang khu vực tư nhân, tiếp thị các công trình bảo tồn đến tư nhân dưới dạng cơ hội đầu tư. Khuyến khích tư nhân tham gia bảo tồn thông qua các chính sách về thuế và hướng dẫn kỹ thuật bảo tồn, thậm chí hỗ trợ phát triển. Vinh danh những dự án bảo tồn công trình trùng tu xuất sắc bằng một giải thưởng kiến trúc di sản. Làm được như vậy công chúng sẽ biết đến những nỗ lực này thông qua các phương tiện truyền thông. Trên cơ sở đó, chính quyền sẽ nhận được tham vấn của người dân, những góp ý, đề xuất các công trình cần bảo tồn, thúc đẩy nhận thức và nâng cao hiểu biết của xã hội về di sản đô thị.
Nhiều ý kiến còn cho rằng, bên cạnh bảo tồn và phát huy các công trình kiến trúc hiện hữu, chính quyền thành phố cần có hành động hợp lý để bảo tồn các giá trị phi vật thể của địa điểm các loại hình kinh doanh truyền thống, lối sống và cả cái hồn của nơi chốn. Mặt khác, TP. HCM cần đánh giá lại toàn diện các công trình lịch sử, thực hiện nghiên cứu bổ sung về lịch sử đô thị, mở rộng pháp lý bảo vệ những công trình có giá trị di sản cao, thúc đẩy các bên liên quan khai thác giá trị của di sản đô thị như nguồn tài nguyên của du lịch và cộng đồng nhằm đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển đô thị bền vững.