Chủ động phòng chống cháy nổ cho tàu du lịch trên vịnh Hạ Long
Cập nhật: 24/03/2014
Trên vịnh Hạ Long hiện có gần 500 tàu du lịch thực hiện vận chuyển khách, trong đó gần 160 tàu lưu trú nghỉ đêm. Những năm qua, đội tàu du lịch đã không ngừng được đầu tư, nâng cao chất lượng phục vụ. Cùng với đó, công tác chỉ đạo đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) đường thuỷ, chủ động phòng chống cháy nổ (PCCN) được đặc biệt quan tâm. Qua đó, đã hạn chế tối đa các vụ cháy nổ tàu du lịch, đưa vịnh Hạ Long trở thành điểm đến an toàn với du khách.
 

Nhìn lại những năm trước, nhiều tàu, thuyền du lịch bị cháy, nổ và đắm do những nguyên nhân chủ quan và khách quan, gây thiệt hại hàng tỷ đồng cho các đơn vị hoạt động kinh doanh dịch vụ vận tải trên vịnh. Có thể kể đến: ngày 28/2/2010, tàu Minh Quang 08 QN 5429 chở 8 du khách, 1 hướng dẫn viên, 5 thuỷ thủ bất ngờ bốc cháy khi đang neo đậu nghỉ đêm tại khu vực hang Luồn trên vịnh Hạ Long. Do lửa bắt nhanh, đám cháy lớn, nên chỉ trong 30 phút, con tàu trị giá hàng tỷ đồng đã bị thiêu rụi và chìm xuống biển. Rất may, khi đó tại khu vực nghỉ đêm có khá đông tàu du lịch khác, nên công tác cứu người đã được triển khai kịp thời. v.v..

Từ những tai nạn đáng tiếc trên, tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp quản lý, siết chặt hoạt động tàu du lịch trên vịnh Hạ Long; đặc biệt, UBND tỉnh đã có Quyết định 716/2011 bắt buộc các phương tiện này phải đảm bảo các điều kiện an toàn kỹ thuật. Riêng về PCCN, các tàu phải đáp ứng điều kiện về trang bị bình chữa cháy loại bột, máy bơm chữa cháy động cơ diesel đặt ngoài khu vực buồng máy, hệ thống báo cháy tự động… Cùng với đó là sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng: cảng vụ đường thuỷ nội địa, phòng CSGT đường thuỷ… đã chủ động xây dựng phương án PCCN, thường xuyên tổ chức kiểm tra, nhắc nhở, động viên các chủ phương tiện quan tâm đến công tác PCCN, trang bị đầy đủ các trang thiết bị chữa cháy cần thiết.

Ông Lê Hồng Thắng, giám đốc cảng vụ đường thuỷ nội địa Quảng Ninh cho biết: hiện có khá đông tàu chở khách tham quan vịnh Hạ Long. Do vậy, việc kiểm tra, quản lý, giám sát và điều hành phương tiện của cảng vụ gặp không ít khó khăn. Để chủ động phòng chống những nguy cơ có thể dẫn đến cháy nổ phương tiện thuỷ, đảm bảo an toàn cho người, phương tiện hoạt động trên vịnh, đơn vị đã chủ động xây dựng các phương án PCCN. Cụ thể: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của chủ phương tiện, thuyền trưởng, các thuyền viên; thành lập tổ xung kích, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết cho công tác PCCN; yêu cầu các phương tiện phải thực hiện đúng các quy định về công tác đảm bảo ATGT đường thuỷ khi hoạt động trên vịnh; thường xuyên liên lạc với Trung tâm cứu hộ, cứu nạn để nắm bắt diễn biến trên vịnh Hạ Long…

Để siết chặt quản lý và tăng cường giám sát, cảng vụ đường thuỷ nội địa Quảng Ninh, phòng CSGT đường thuỷ (công an tỉnh) thường xuyên tổ chức kiểm tra thiết bị và công tác PCCN. Đồng thời, cử cán bộ xuống từng phương tiện để hướng dẫn chủ tàu, thuyền trưởng và các thuyền viên chấp hành nghiêm túc những quy định PCCN, thực hiện phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ); gắn rõ trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân trong hoạt động vận chuyển khách tham quan vịnh. Với các lỗi vi phạm như: bình cứu hoả hết hạn sử dụng, hệ thống bơm cứu hoả không hoạt động, thiếu thiết bị PCCC… sẽ không cấp lệnh xuất bến vận chuyển khách.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý cảng, thông báo trên loa phát thanh, nhắc nhở du khách về các biện pháp đảm bảo an toàn, chủ động PCCN khi đi tàu; tổ chức ký cam kết thực hiện nội quy, quy chế PCCN, nâng cao nhận thức của chủ tàu, thuyền trưởng và các thuyền viên trên tàu du lịch. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các buổi diễn tập, giả định tình huống để tập huấn, rút kinh nghiệm cho các thuyền viên khi gặp tình huống cháy nổ, ứng cứu kịp thời v.v..

Những tai nạn trên biển, đặc biệt là cháy nổ thường để lại những hậu quả và thiệt hại nặng nề. Do vậy, để những chuyến ra khơi an toàn, đem lại niềm vui cho du khách khi đến tham quan vịnh Hạ Long, công tác chủ động đối phó với những sự cố luôn là nhiệm vụ, trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân hoạt động và làm nhiệm vụ trên vịnh. Bên cạnh những giải pháp tích cực của các cơ quan chức năng trong tỉnh, rất cần sự vào cuộc chủ động của các chủ tàu, thuyền trưởng và các thuyền viên.

Báo Quảng Ninh