Phát triển du lịch tỉnh Điện Biên cần tầm nhìn xa và giải pháp đồng bộ
Cập nhật: 26/03/2014
Với một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như tỉnh Điện Biên, du lịch - “ngành công nghiệp không khói” đã mở cho địa phương này có một hướng phát triển bền vững. Với những tiềm năng to lớn, đặc biệt là di tích chiến trường Điện Biên Phủ, ngành du lịch Điện Biên có nhiều cơ hội tăng trưởng trong tương lai. Nhưng, để trở thành địa chỉ du lịch ấn tượng vùng Tây Bắc nói riêng và cả nước nói chung, Điện Biên vẫn còn nhiều việc phải làm. 
 

Hai thế mạnh vượt trội

Theo đánh giá của các chuyên gia du lịch, tỉnh Điện Biên có thế mạnh phát triển hai loại hình du lịch là Du lịch tìm hiểu di tích lịch sử và Du lịch trải nghiệm văn hóa.

Quan trọng nhất vẫn là di tích chiến trường Điện Biên Phủ gắn với chiến thắng lịch sử vĩ đại 60 năm về trước. Sự quý giá của di tích lịch sử này gắn với ý nghĩa, tầm vóc sự kiện Chiến thắng Điện Biên Phủ đã vượt ra ngoài biên giới nước ta. Đó là sức hút khó cưỡng cho du khách trong và ngoài nước khi trực tiếp đến tham quan và chiêm nghiệm nhiều câu chuyện lịch sử gắn với những bài học lịch sử rút ra từ sự kiện từng gây “chấn động địa cầu”. 

Tỉnh Điện Biên còn là nơi cư trú của 21 dân tộc anh em mà mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng gắn với nghệ thuật ẩm thực, nghề thủ công truyền thống... Điện Biên cũng là tỉnh có nhiều lễ hội như: lễ hội thành Bản Phủ, lễ cầu mưa dân tộc Cống, Tết cơm mới của người La Hủ, lễ cúng bản tại di tích tháp Mường Luân (xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông)… Đây là cơ sở để Điện Biên xây dựng các hình thức du lịch trải nghiệm văn hóa cho du khách.

Tập trung ưu tiên phát triển hai loại hình du lịch nói trên, ngành du lịch tỉnh Điện Biên đã có bước phát triển khá nhanh trong nhiều năm qua. Dự kiến năm 2014, nhân sự kiện 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên sẽ đón 440.000 lượt khách, tạo ra thu nhập xã hội là 540 tỷ đồng, đem lại công ăn việc làm cho hơn 9000 người. 

Những con số ấn tượng kể trên là điều đáng mừng song chỉ giúp Điện Biên đứng thứ ba trong các tỉnh vùng Tây Bắc về thu hút khách du lịch; và thị phần du lịch Điện Biên chỉ chiếm 0,2% trong tổng số khách du lịch của cả nước trong các năm gần đây. Nguyên nhân đầu tiên là tỉnh Điện Biên chưa tập trung nghiên cứu đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch di sản hấp dẫn. Du khách đến tham quan di tích chiến trường Điện Biên Phủ theo các đợt kỷ niệm dễ dàng nhận ra không có nhiều sản phẩm du lịch mới mẻ. Sản phẩm du lịch của Điện Biên còn đơn điệu, thiếu thành phần chủ đạo trong sản phẩm để tạo ra điểm nhấn so với các tỉnh khác có cùng phong cảnh thiên nhiên, có cùng sự đa dạng tộc người. Chưa kể đến việc bảo tồn, tôn tạo các điểm di tích chiến trường Điện Biên Phủ chưa thực sự tốt, nhiều hạng mục công trình vẫn còn dở dang, sự biến dạng di tích do sức ép của đô thị hóa… Cuối cùng là năng lực quản lý và trình độ kinh doanh du lịch chưa bắt kịp với sự phát triển. Đơn cử như đội ngũ hướng dẫn viên chưa có đủ năng lực để truyền tải các giá trị lịch sử, nghệ thuật quân sự, bản sắc văn hóa từ các điểm di tích cho khách du lịch.

Những yếu kém kể trên không chỉ riêng có của du lịch Điện Biên mà xảy ra ở nhiều địa phương khác. Nhưng nếu không khắc phục sớm, nguy cơ tụt hậu của du lịch Điện Biên không phải là điều khó hiểu.

Chính quyền đi trước, làng nước theo sau

Để du lịch Điện Biên “cất cánh”, chính quyền tỉnh Điện Biên đóng vai trò đầu tiên và quan trọng nhất, thể hiện ở tầm nhìn quy hoạch khoa học, cách thức thực hiện nhanh chóng và chính xác.

Trọng tâm của chính quyền tỉnh Điện Biên hiện nay là làm tốt việc bảo tồn và tôn tạo di tích chiến trường Điện Biên Phủ. Vấn đề kinh phí luôn là bài toán khó thường trực nhưng quan trọng hơn là phải có cái nhìn chiến lược bảo tồn di tích tránh tình trạng làm biến dạng di tích lịch sử đặc biệt này. KTS Lê Thành Vinh (Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích) nêu rõ quan điểm bảo tồn di tích chiến trường Điện Biên Phủ, đó là: “Việc bảo tồn toàn cảnh với đầy đủ các thành phần của chiến dịch trên một khu vực rộng lớn là một điều không thực tế. Thay vào đó, phải lựa chọn vị trí, những thành phần tiêu biểu, có ý nghĩa phản ánh tốt sự kiện và có tính khả thi để bảo tồn là giải pháp phù hợp”. Trên thực tế, các di tích chiến trường Điện Biên Phủ đang nằm rải rác tách biệt do bị chia cắt bởi các khu dân sinh cho nên chính quyền tỉnh Điện Biên cần sớm tìm cách kết nối các điểm di tích để khách du lịch có cái nhìn tổng thể về toàn bộ chiến dịch. ông Phạm Xuân Kôi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên khẳng định: “Chính quyền Điện Biên sẽ sớm di dời một số công trình để trả lại không gian nhằm phục vụ cho công tác bảo tồn di tích”. Tất nhiên, việc bảo tồn một di tích trải rộng và phức tạp như di tích chiến trường Điện Biên Phủ là điều không thể hoàn thành trong ngày một ngày hai. Nhưng nếu đã có tầm nhìn quy hoạch đúng đắn sẽ là cơ sở bảo đảm phát huy giá trị nhiều mặt của di tích chiến trường Điện Biên Phủ để phục vụ cho du lịch dài lâu.

Di tích chiến trường Điện Biên Phủ dù có giá trị to lớn nhưng cũng không thể kéo du khách lưu trú dài ngày tại Điện Biên. Cho nên, chính quyền Điện Biên cần sớm bắt tay xây dựng các sản phẩm du lịch tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số; du lịch sinh thái kết hợp với du lịch tham quan, du lịch nghỉ dưỡng núi; du lịch mạo hiểm, thể thao khám phá, du lịch làng nghề, chú ý khai thác các hình thức du lịch biên giới gắn với du lịch mua sắm tại một số cửa khẩu... TS Trần Hữu Sơn (Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai) gợi mở một sản phẩm du lịch văn hóa hết sức độc đáo của riêng Điện Biên, đó là: “Cần sớm tổ chức một lễ hội hành hương của người Thái vì Điện Biên được xem là “quê cha đất tổ” của tộc người này. Không chỉ người Thái ở Việt Nam mà người Thái ở Lào, Thái Lan, Mi-an-ma chắc chắn sẽ tham dự rất đông. Và để đáp ứng nhu cầu hành hương thì chính quyền tỉnh Điện Biên cần xây dựng đồng bộ các điểm du lịch khôi phục không gian sinh hoạt người Thái cổ để những con cháu tộc người Thái hiện đại có thể trải nghiệm, tổ chức hội thảo khoa học về người Thái...”.

Thêm vào đó, tỉnh Điện Biên cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường, định hướng phát triển các thị trường mới, nhất là các thị trường khách du lịch quốc tế bên cạnh các thị trường hiện tại là thị trường khách du lịch từ các nước nói tiếng Pháp, thị trường các nước ASEAN, Đông Bắc á…, nhằm đa dạng hóa các thị trường khách quốc tế đến Điện Biên.

Vai trò đi đầu của chính quyền tỉnh Điện Biên thời điểm hiện nay rất quan trọng nhưng theo kinh nghiệm phát triển du lịch, nhất là ở những vùng có địa hình không thuận lợi thì vai trò chủ động làm du lịch của cộng đồng dân cư bản địa cũng không kém phần quan trọng. Ngành du lịch Việt Nam đã xảy ra không ít trường hợp một số dự án do nhà nước bao cấp, nghĩ hộ dân, đầu tư rất lớn nhưng thiếu sự chủ động của người dân tham gia nên không thành công. Vì vậy, về lâu về dài, cơ chế đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch ở Điện Biên nên chuyển mạnh từ mô hình chính quyền đầu tư sang mô hình cộng đồng và doanh nghiệp đầu tư. Các dự án nhỏ cần khuyến khích cộng đồng chủ động tham gia dưới hình thức bản du lịch cộng đồng, câu lạc bộ thổ cẩm... Chính quyền chỉ đóng vai trò hỗ trợ bằng các chính sách giảm thuế, cho vay ưu đãi, hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng..., chứ không nên “ôm việc”.

Sẽ là muộn màng nếu chính quyền, doanh nghiệp và người dân tỉnh Điện Biên không sớm chung tay đẩy mạnh các giải pháp đồng bộ, quyết liệt khơi dậy tiềm năng du lịch to lớn của địa phương. Phát triển du lịch một cách khoa học, theo hướng bền vững sẽ giúp một tỉnh miền núi như Điện Biên có giải pháp cho nhiều vần đề lớn đan xen, đó là: vừa phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo nhanh; vừa khôi phục bản sắc văn hóa các tộc người và nhất là vừa có thể giữ gìn di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ có một không hai.

Quân đội nhân dân