Để chào mừng Festival Tây Sơn - Bình Định 2008, Bảo tàng Tổng hợp Bình Định sẽ phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức trưng bày “Sưu tập Mỹ thuật Dân gian Truyền thống Việt Nam”.
Bộ sưu tập sẽ giới thiệu 109 hiện vật tiêu biểu của mỹ thuật dân gian Việt Nam, trên cả hai mảng lớn là điêu khắc và hội họa.
Về điêu khắc, sẽ giới thiệu các tác phẩm điêu khắc tiêu biểu từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 19, gồm: tượng Phật và phù điêu chạm khắc đình làng Việt Nam; đặc biệt, sẽ trưng bày 10 trong tổng số 16 tượng cổ ở chùa Tây Phương, có niên đại thế kỷ 18, trong đó, có những tượng rất tiêu biểu như: tượng Tuyết Sơn, La Hầu, La Đa… Đây là những tác phẩm quý của mỹ thuật Việt thời Tây Sơn. Cũng trong mảng đề tài tượng Phật, còn có tượng Phật A Di Đà (chùa Phật Tích, Bắc Giang), thời Lý, niên đại thế kỷ 11. Đây là bức tượng cổ nhất miền Bắc, đã được công nhận kỷ lục Phật giáo. Các tượng này đều là phiên bản với tỷ lệ 1-1. Trong đó, tượng Phật A Di Đà cao 2,8m (tính cả thân và bệ tượng).
Trên lĩnh vực hội họa, sưu tập giới thiệu các tác phẩm chọn lọc từ các dòng tranh dân gian Việt Nam như: Hàng Trống, Đông Hồ, tranh thờ các dân tộc ít người. Hầu hết các tác phẩm hội họa dân gian này là nguyên bản.
Theo Ts. Trương Quốc Bình, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, cho biết: “Mục đích của đợt trưng bày là giới thiệu về truyền thống văn hóa nghệ thuật đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Điều này càng có thêm ý nghĩa khi đợt trưng bày lần này được tổ chức tại Bình Định, nơi vẫn còn lưu giữ nhiều di tích Chăm và các di tích của người Việt nổi tiếng. Việc giới thiệu những hiện vật từ những địa phương khác nhau, mang những niên đại khác nhau, sẽ góp phần cùng với các di sản văn hóa ở Bình Định tôn vinh những giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc của các dân tộc Việt Nam”.
Theo dự kiến, bộ sưu tập sẽ được trưng bày tại gian tiền sảnh và phòng trưng bày số 1 của Bảo tàng Tổng hợp Bình Định. Như vậy, sau khi xem xong bộ sưu tập, du khách có thể tiếp tục thưởng lãm các hiện vật đặc sắc và tiêu biểu nhất trong truyền thống văn hóa Bình Định như: trống đồng Đông Sơn phát hiện ở Bình Định, hiện vật thời Tây Sơn khai quật tại Tử Cấm Thành của thành Hoàng Đế; cùng các hiện vật điêu khắc Chăm rất có giá trị tại phòng trưng bày về văn hóa Chăm ở Bình Định.
Theo dự kiến, ngày 20/7/2008 tới, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ chuyển các hiện vật vào Bình Định. Đợt trưng bày sẽ khai mạc vào tuần cuối tháng 7 và sẽ còn kéo dài đến hơn một tháng.
Bên cạnh công tác phối hợp tổ chức trưng bày, để chào mừng Festival Tây Sơn - Bình Định 2008, thời gian qua, Bảo tàng Tổng hợp Bình Định cũng đã bổ sung thêm các hiện vật tại phòng trưng bày văn hóa Chăm ở Bình Định, chủ yếu là các hiện vật điêu khắc đá vừa phát hện tại tháp Dương Long (Tây Sơn). Việc trưng bày ngoài trời cũng được tăng cường bằng việc bổ sung các hiện vật điêu khắc đá có kích thước lớn như: chóp tháp phát hiện tại Phước Hiệp (Tuy Phước), tượng Maraka, Naga… tìm thấy tại tháp Dương Long.