Hội nghị triển khai Đề án “Phát triển sản phẩm lưu niệm, đặc sản phục vụ du lịch Vĩnh Phúc”
Cập nhật: 31/03/2014
Hội nghị diễn ra sáng ngày 25/3/2014 tại khách sạn Sông Hồng Thủ Đô, do ba đơn vị: tập đoàn Quế Lâm, công ty cổ phần Thương mại SHTĐ và Hội Tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ Vĩnh Phúc phối hợp tổ chức. Tới dự có đại diện lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh; Hội Làng nghề Việt Nam; Trung tâm nghiên cứu, phát triển thương hiệu làng nghề Việt Nam; một số sở, ban, ngành, huyện, thành thị trong tỉnh và các hợp tác xã, hộ gia đình, làng nghề… chuyên sản xuất hàng thủ công truyền thồng, sản phẩm địa phương…
 

Đề án “Phát triển sản phẩm lưu niệm, đặc sản phục vụ du lịch Vĩnh Phúc” được xây dựng theo tinh thần nội dung Nghị quyết số 01 của Tỉnh uỷ về phát triển du lịch, dịch vụ của tỉnh, và trên cơ sở đánh giá những yêu cầu khách quan cũng như đòi hỏi thực tế của địa phương, đặc biệt là phục vụ nhu cầu của khách du lịch khi đến với Vĩnh Phúc.

Trong chuyến du lịch đến với mỗi vùng miền khác nhau, có một loại nhu cầu mà hầu như tất cả mọi người không ai có thể bó qua, đó là mua những món quà mang tính chất đặc trưng vùng miền về làm quà cho gia đình, bạn bè, người thân… Đến với Vĩnh Phúc, du khách thực sự không dễ tìm cho mình những món quà như thế. Với một địa phương có bề dày lịch sử, truyền thống văn hoá lâu đời, nhiều điều kiện tự nhiên và nhân văn có thể hình thành nên những sản phẩm quà lưu niệm, đặc sản đặc trưng nhưng vẫn tồn tại hạn chế này là một điều rất đáng tiếc.

Muốn ngành dịch vụ, du lịch Vĩnh Phúc phát triển xứng đáng với tiềm năng vốn có, việc xây dựng hàng lưu niệm và đặc sản địa phương mang thương hiệu Vĩnh Phúc là một việc vô cùng cần thiết và cần khẩn trương triển khai. Đề án ra đời và việc kịp thời tổ chức Hội nghị triển khai đề án là tín hiệu vui không chỉ dành riêng cho ngành Du lịch.

Mở đầu Hội nghị, các đại biểu đã được nghe Hội TTCN – DV báo cáo kế hoạch thực hiện đề án với những nội dung tóm tắt. Phần phát biểu tham luận và các ý kiến tham gia của các đại biểu diễn ra sôi nổi tập trung vào một số vấn đề trọng tâm: mục tiêu cụ thể của đề án, triển khai các nội dung như thế nào cho hiệu quả, giải pháp thực hiện… và những kết quả mà đề án mang lại.

Thay mặt một số làng nghề và cơ sở sản xuất (gốm Hương Canh, mộc Thanh Lãng, rắn Vĩnh Sơn, thanh long ruột đỏ Lập Thạch...) đã mạnh dạn phát biểu, đưa ra quan điểm của mình về những vấn đề có liên quan: khẳng định quyết tâm theo đuổi nghề; khó khăn - thuận lợi trong sản xuất, tiêu thụ; những đề xuất kiến nghị với các cơ quan chức năng…

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Niên - Hội viên danh dự Hội TTCN – DV, chủ tịch Hiệp hội Du lịch Vĩnh Phúc, chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Thương mại SHTĐ đã chia sẻ những khó khăn của Hội trong thực hiện đề án, khẳng định sẽ luôn đồng hành, ủng hộ để mục tiêu của đề án hoàn thành, góp phần phát huy thế mạnh địa phương, phát triển kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân, thúc đẩy du lịch Vĩnh Phúc phát triển.

Hội nghị cũng được nghe ý kiến đóng góp của ông Trịch Quốc Đạt – phó chủ tịch Hội làng nghề Việt Nam. Ý kiến nêu lên một số vấn đề: sản phẩm lưu niệm và đặc sản địa phương là yếu tố quan trọng trong hoạt động phục vụ khách du lịch; thực trạng sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch của Việt Nam, trong đó nhấn mạnh những hạn chế của loại sản phẩm này; những yêu cầu với sản phẩm là mang tính đặc trưng vùng miền, được thiết kế tạo dáng mỹ thuật, có công năng sử dụng, đáp ứng nhu cầu thưởng thức, được gia công tinh xảo, có kích thước - trọng lượng nhỏ phù hợp với việc phải vận chuyển xa, giá cả hợp lý, cần có nhiều mẫu mã chất liệu khác nhau…Cuối cùng là bổ sung một số giải pháp thực hiện Đề án.

Thay mặt lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc, ông Dương Quang Ứng – phó giám đốc Sở đã khái quát tình hình phát triển du lịch Vĩnh Phúc thời gian qua và khẳng định sự ra đời của Hội TTCN – DV, của Đề án trong giai đoạn hiện nay là một điều đáng mừng, nội dung của Đề án đã thực hiện đúng chủ trương của tỉnh, cụ thể là nội dung Nghị quyết 01. Vấn đề làm phong phú sản phẩm hàng lưu niệm và đặc sản địa phương phục vụ khách du lịch là một yêu cầu không thể thiếu. Sau Hội nghị này, trên cơ sở tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu, Hội tiếp tục thực hiện những bước tiếp theo thực hiện nội dung và đưa Đề án đi vào thực tế một cách hiệu quả, góp phần quảng bá hình ảnh và thu hút ngày càng nhiều khách đến Vĩnh Phúc, thực hiện mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Du lịch Vĩnh Phúc