“Lễ hội cầu ngư ở Khánh Hòa” là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Cập nhật: 10/04/2014
Sáng 10/4, tại Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Khánh Hòa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức Lễ đón nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ hội cầu ngư ở Khánh Hòa”. Dự lễ có ông Lê Xuân Thân – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa.

Tại buổi lễ, đại diện Sở VHTTDL đã công bố quyết định của Bộ VHTTDL về việc công nhận “Lễ hội cầu ngư ở Khánh Hòa” là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Thay mặt Bộ VHTTDL, ông Lê Xuân Thân đã trao bằng công nhận “Lễ hội cầu ngư ở Khánh Hòa” là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho 46 đình làng có tổ chức lễ hội này.


Hát Bá Trạo - một phần không thể thiếu trong các Lễ hội cầu ngư.

Lễ hội cầu ngư bắt nguồn từ tục thờ Ông Nam Hải - tập tục lâu đời của cư dân vùng biển từ Bắc miền Trung trở vào Nam, trong đó tiêu biểu là Nam Trung bộ mà điển hình là Khánh Hòa. Hiện nay, lễ hội cầu ngư ở Khánh Hòa còn bảo lưu các nghi thức truyền thống với các nghi lễ: lễ rước sắc, lễ Nghinh Ông, hò Bá Trạo, lễ Tỉnh sanh, lễ Tế chánh, Thứ lễ và Tôn Vương, lễ Tống na.  

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Xuân Thân nhấn mạnh: Với nhiều hình thức nghệ thuật truyền thống, diễn xướng dân gian, trò chơi dân gian, lễ hội cầu ngư ở Khánh Hòa là một ngày hội của các làng biển, có tác động sâu rộng đến đời sống cư dân miền biển. Việc giữ gìn và  phát huy giá trị lễ hội cầu ngư sẽ góp phần bảo lưu văn hóa truyền thống, giáo dục lòng yêu quê hương đất nước, minh chứng cho quá trình chinh phục và làm chủ biển đảo của cộng đồng ngư dân Khánh Hòa nói riêng, Việt Nam nói chung.


Trích đoạn tuồng Quan công lập cam đoan trạng -
phần Thứ lễ trong Lễ hội cầu ngư


Lễ Tôn Vương - một màn diễn xướng trong Lễ hội cầu ngư.

Tại buổi lễ, các nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Khánh Hòa cũng đã diễn lại một số màn diễn xướng trong lễ hội cầu ngư: Hát Bá Trạo, Thứ lễ (trích đoạn tuồng Quan công lập cam đoan trạng) và Tôn Vương.

Báo Khánh Hòa điện tử