Vào dịp rằm tháng ba âm lịch hàng năm, người dân huyện vùng cao Minh Hóa (Quảng Bình) và du khách thập phương lại tìm về thị trấn Quy Ðạt để hòa mình vào không khí tưng bừng của hội rằm.
Người dân Minh Hóa có câu "Thà rằng đau ốm mà nằm/Không ai nỡ bỏ chợ rằm tháng ba...". Lễ hội rằm tháng ba từ lâu đã đi vào tâm thức của người dân Minh Hóa và trở thành nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đặc trưng riêng của vùng quê sơn cước này. Trước giờ khai hội, đại biểu, nhân dân địa phương và du khách đến dâng hương cúng Bụt ở thác Bụt. Ðây là một trong số ít nơi ở nước ta có tục cúng Bụt (như ông Bụt trong truyện cổ tích) để cầu cho quốc thái dân an, vạn điều may mắn.
Người già kể lại: Xưa kia có ba anh em nhà nọ lên lèn ông Ngoi tìm mật ong nhưng đi lạc vào một hang động. Trong đó có cơ man nào là tượng Bụt bằng đá. Họ vác mỗi người một tượng mang về. Ðến dòng suối, họ dừng chân xuống tắm. Tuy nhiên, khi vác tượng lên thì không thể nào vác được, mãi mới đưa được một tượng về đến Hói Chàm và đặt ở đó. Từ đó đến nay, dòng suối này được gọi là thác Bụt.
Từ năm 2004, hội rằm tháng ba Minh Hóa được UBND tỉnh Quảng Bình công nhận là lễ hội văn hóa cấp tỉnh, hội tụ cả ba yếu tố và được duy trì từ xưa đến nay gồm: lễ - hội - chợ. Thông thường, phần lễ được Ban tổ chức thực hiện chiều ngày 14 (âm lịch) tại thác Bụt. Sau đó là phần hội diễn ra tại sân vận động huyện ở thị trấn Quy Ðạt với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc: hát sắc bùa, hát nhà trò, hò thuốc, chơi đẩy gậy, hát múa giao duyên giữa hai làng... Lễ hội ẩm thực luôn thu hút nhiều du khách bởi đến đây, ai cũng được thưởng thức những món ăn dân dã đặc trưng như trứng kiến, nhộng ong, tằm sắn, ốc khe, mật ong, các thảo dược... Ðến với lễ hội lâu đời và lớn nhất của huyện miền núi Minh Hóa này, du khách còn có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp tráng lệ của hang Tú Làn, say mềm môi men rượu cần ở bản Tà Vờng dưới chân dãy Giăng Màn mờ sương...