Việt Nam tìm biện pháp thúc đẩy ngành du lịch tàu biển
Cập nhật: 17/04/2014
Ngày 16/4 tại thành phố Huế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Hiệp hội Du thuyền châu Á và Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức Hội thảo "Chiến lược phát triển công nghiệp du lịch tàu biển Việt Nam".  
 

Phát biểu tại hội thảo, ông Hồ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh cùng với sự phát triển mạnh mẽ của du lịch thế giới, du lịch tàu biển có tốc độ tăng trưởng nhanh kể cả số lượng khách và chất lượng phục vụ, với lượng khách đạt 21 triệu lượt trong năm 2013; và tăng lên khoảng 25 triệu lượt trong năm 2015.

Châu Á hiện là điểm đến hấp dẫn trong hành trình du lịch tàu biển với nhiều cảng biển được đầu tư hiện đại, lượng khách được dự báo là 3,7 triệu lượt vào năm 2017. Trong đó, Việt Nam là điểm đến dễ tiếp cận và kết nói với các trung tâm cảng biển hiện đại của thế giới là Hồng Kông, Singapore trong hành trình của các hãng tàu đến khu vực. Nhiều hãng tàu biển nổi tiếng thế giới đã cập cảng Việt Nam như Star Cruises, Hapag Lloyd Cruises, Phoenix Cruises, Saga Ahipping, Orion Expedition Cruises, Super Star Aquarius...

Sau khi phân tích những mặt thuận lợi của Việt Nam như có bờ biển dài, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nền văn hóa - lịch sử lâu đời, đa dạng giàu bản sắc, có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch tàu biển; các đại biểu dự hội thảo đã tập trung làm rõ những mặt hạn chế trong phát triển công nghiệp du lịch tàu biển ở Việt Nam.

Đó là, lượng khách du lịch tàu biển vẫn chiếm tỷ lệ khiêm tốn trong tổng số khách quốc tế đến Việt Nam (khoảng 3-5%), chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của du lịch Việt Nam. Hạn chế này xuất phát từ nguyên nhân kết cấu hạ tầng các cảng biển của Việt Nam còn kém, chưa có nhà ga, bến tàu giành riêng cho khách du lịch. Chất lượng dịch vụ tại các cảng biển chưa cao, sản phẩm du lịch biển nghèo nàn, đơn điệu; thiếu các dịch vụ bổ trợ để thu hút khách lưu trú dài hơn và chi tiêu nhiều hơn.

Kinh tế biển, trong đó có hoạt động du lịch biển đang được Đảng và nhà nước xác định là một trong những định hướng phát triển quan trọng trong thời gian tới. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định ưu tiên hàng đầu cho du lịch biển. Trên cơ sở đó, sản phẩm du lịch biển trong thời gian tới phải được đầu tư một cách xứng đáng, nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch tàu biển.

Vietnam+