(TITC) - Những ngày đầu năm, tiết trời se lạnh kèm theo những hạt mưa bụi phảng phất không là trở ngại cản bước du khách thập phương tìm về miền quê Bắc Ninh – Kinh Bắc, nơi không chỉ nổi tiếng bởi những làn điệu quan họ và tranh Đông Hồ mà còn quy tụ rất nhiều di tích lịch sử đặc sắc như lăng Kinh Dương Vương, chùa Bút Tháp, chùa Dâu (huyện Thuận Thành); chùa Phật Tích (huyện Tiên Du); đền Đô (thị xã Từ Sơn)… Chính vì vậy, Bắc Ninh là điểm đến của rất nhiều du khách trong chuyến hành hương về nguồn.
Khuôn viên lăng Kinh Dương Vương
Điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình của du khách là huyện Thuận Thành với cụm di tích đền thờ và lăng Kinh Dương Vương (thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành) cách thành phố Bắc Ninh khoảng 20km về phía nam. Theo truyền thuyết và các thư tịch lịch sử, Kinh Dương Vương là thủy tổ của người Việt, thân phụ của Quốc tổ Lạc Long Quân.
Khu vực đền thờ Kinh Dương Vương có diện tích khoảng hơn 2.000m² gồm 5 gian tiền tế và 3 gian thờ được xây theo kiểu chữ công, gian giữa có long ngai sơn son thếp vàng thờ Kinh Dương Vương, gian bên trái thờ Âu Cơ và gian bên phải thờ Lạc Long Quân. Trong đền có hệ thống nghi trượng bằng đồng, gỗ, sứ khá phong phú như: mâm đồng, đỉnh, lư hương, ống hoa, thau rước nước, chiêng… Tọa lạc trên bãi bồi rộng 4.200m² sát bờ nam sông Đuống, lăng Kinh Dương Vương có kiến trúc 2 tầng 8 mái, được bao bọc bởi nhiều cây cổ thụ um tùm, mát mẻ. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, đến nay, cụm di tích đền thờ và lăng Kinh Dương Vương vẫn gìn giữ nhiều di sản vật thể và phi vật thể đặc sắc như: thần phả, sắc phong, bia đá, hoành phi, câu đối, tín ngưỡng, lễ hội…
Một trong những tháp cổ tại chùa Bút Tháp
Rời thôn Á Lữ, xuôi theo bờ đê sông Đuống, du khách tiếp tục đến với chùa Bút Tháp (thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ). Chùa có tên chữ là “Ninh Phúc Thiền Tự” được xây dựng từ thời hậu Lê (thế kỷ 17) theo kiểu “nội công ngoại quốc”, bao gồm: Tam quan, gác chuông, Tiền đường và Thượng điện. Bên trong Thượng điện có bày các bộ tượng Tam Thế, Tam Thân, trong đó nổi bật nhất là tượng Phật Bà Quan Âm “nghìn mắt nghìn tay” cao 3,7m, 42 bàn tay lớn và 958 tay nhỏ, mỗi bàn tay có một mắt; tượng Tây Thiên Đông Độ Việt Nam lịch đại Tổ sư và tượng Quan Âm Thị Kính. Đây được coi là bộ ba tác phẩm nghệ thuật tạc tượng danh bất hư truyền tại chùa Bút Tháp. Từ Thượng điện, đi qua chiếc cầu đá có 3 nhịp uốn cong, du khách sẽ thấy tòa “Cửu phẩm Liên Hoa” 9 tầng được làm bằng gỗ, có khắc tượng Phật xung quanh. Ngoài ra, trong chùa còn có hơn 70 pho tượng gỗ như pho tượng Kim Đồng - Ngọc Nữ, tượng La Hán... ; nhiều tòa tháp cổ như tháp Bảo Nghiêm, Tôn Đức… là nơi đặt xá lị của các vị thiền sư trụ trì chùa trước đây.
Chùa Dâu
Sau khi tham quan chùa Bút Tháp, du khách tiếp tục đến với chùa Dâu (thôn Khương Tự, xã Thanh Khương). Được xây dựng từ đầu thế kỷ thứ 3, chùa Dâu được xếp vào bậc danh lam cổ tự xứ Kinh Bắc và là ngôi chùa Phật giáo cổ nhất Việt Nam, nơi giao lưu của hai luồng văn hóa Phật giáo lớn là Ấn Độ (gắn với nhà sư Khâu-đà-la) và Trung Quốc (gắn với nhà sư Tỳ-ni-đa-lưu-chi). Chùa Dâu thờ nữ thần Pháp Vân gắn liền với huyền tích Tứ pháp của người Việt (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện). Chùa được bố cục theo kiểu "nội công ngoại quốc", bốn dãy nhà liên thông hình chữ nhất bao quanh ba ngôi nhà chính là Tiền đường, Thiêu hương và Thượng điện. Tiền đường của chùa đặt tượng Hộ pháp, 8 vị Kim cương; Thiêu hương đặt tượng Cửu Long, hai bên có tượng các vị Diêm vương, Tam Châu Thái tử, Mạc Đĩnh Chi; Thượng Điện đặt tượng bà Dâu (Pháp Vân), bà Đậu (Pháp Vũ), Kim Đồng, Ngọc Nữ. Các pho tượng Bồ tát, Tam thế, Đức ông, Thánh tăng được đặt ở phần hậu điện phía sau chùa chính. Ngoài ra, trong chùa còn có tượng tổ sư Tỳ-ni-đa-lưu-chi, 18 vị La Hán,… Hiện ở sân chùa Dâu có tháp Hòa Phong 3 tầng cao khoảng 17m; trong tháp có chuông lớn đúc dưới triều Cảnh Thịnh (1793), khánh lớn bằng đồng đúc năm Minh Mạng 18 (1837).
Các sản phẩm làng tranh Đông Hồ
Điểm đến tiếp theo của du khách khi đến với huyện Thuận Thành là làng tranh Đông Hồ, xưa còn gọi là làng Mái (xã Song Hồ). Các cụ làng Đông Hồ vẫn truyền lại câu ca rằng:
Hỡi cô thắt lưng bao xanh,
Có về làng Mái với anh thì về.
Làng Mái có lịch có lề,
Có ao tắm mát có nghề làm tranh.
Ðông Hồ, một ngôi làng xinh xắn nằm bên bờ sông Ðuống, từ lâu đã đi vào đời sống tinh thần của mỗi người dân Việt Nam bằng những bức tranh dân gian nổi tiếng, đậm đà bản sắc dân tộc. Không chỉ có người Hà Nội và các tỉnh thành trong nước yêu thích tranh dân gian Ðông Hồ về tham quan tìm hiểu và chọn mua, mà không ít du khách, những người trong lĩnh vực hội họa, mỹ thuật của nước ngoài cũng đến để nghiên cứu về nghệ thuật tranh dân gian đặc sắc của làng Hồ.
Các bảo tháp tại chùa Phật Tích
Kết thúc chuyến tham quan tại huyện Thuận Thành, du khách có thể đến huyện Tiên Du để vãn cảnh chùa Phật Tích (thôn Phượng Hoàng, xã Phật Tích) được xây dựng vào thời nhà Lý năm Thái Bình thứ 4 (1057). Khởi nguyên của chùa Phật Tích gắn liền với trung tâm Phật giáo Luy Lâu và sự du nhập của Phật giáo Ấn Độ. Đây là nơi có 5 cặp tượng linh thú (sư tử, voi, trâu, ngựa và tê giác) bằng đá lớn nhất Việt Nam, được đặt trên bệ sen trước cửa chùa. Ở Thượng điện của chùa có pho tượng đức Phật A Di Đà ngồi thiền trên tòa sen cao 1,85m (kể cả bệ là 2,8m) - một kiệt tác điêu khắc bằng đá thời Lý. Phía sau Chính điện của chùa còn lưu giữ một số đấu kê chân tảng, trong đó đặc sắc nhất là một chân tảng chạm khắc hình các nghệ sĩ đang biểu diễn dàn nhạc bát âm gồm sáo dọc, sáo ngang, đàn nhị, đàn nguyệt, đàn tam, đàn tì bà, trống phách. Ngoài ra, tại vườn sau chùa có 32 bảo tháp của chư Tổ, chư Tăng đã viên tịch từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 20.
Hát quan họ trên thuyền
Nếu đến huyện Tiên Du vào ngày 12 và 13 tháng Giêng hàng năm, du khách sẽ có dịp tham gia hội Lim được tổ chức trên đồi Lim (thị trấn Lim). Đây là lễ hội lớn của tỉnh Bắc Ninh, được coi là nét kết tinh độc đáo của văn hóa vùng Kinh Bắc. Ngày hội thu hút nhiều người dân từ khắp nơi về trẩy hội vui xuân, trong đó phần đông là nam thanh nữ tú. Họ đến để hát quan họ, kết bạn, tìm duyên. Đặc biệt, từ khi Quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2009, ngày hội càng trở nên rộn ràng và thu hút hơn. Đến hội Lim, khách du xuân được xem và nghe hát quan họ trên đồi, hát sau chùa, hát trên thuyền và hát trong các tư gia (hát trong nhà); lại có thể nghe hát đối từng cặp (đôi nam, đôi nữ) với những câu ca mượt mà, tha thiết:
Mấy khi khách đến chơi nhà,
Lấy than, quạt nước tiễn trà người xơi.
Trà này ngon lắm người ơi,
Người xơi một chén cho tôi bằng lòng.
Du khách trẩy hội Lim còn được tham gia nhiều hoạt động văn hóa truyền thống của địa phương hay các trò chơi dân gian như đu bay, chọi gà, chọi chim, đấu vật, tổ tôm điếm...
Thủy đình tại đền Đô
Từ huyện Tiên Du ngược về thị xã Từ Sơn, du khách sẽ đến với một di tích gắn liền với vương triều nhà Lý đó là đền Đô (xóm Thượng, phường Đình Bảng). Đền được xây dựng vào thế kỷ 11, trên khu đất phía đông nam làng Đình Bảng xưa mà theo Thiền sư Lý Vạn Hạnh là nơi hội tụ của thiên khí, nơi có thế 8 đầu rồng chầu về. Đền Đô thờ 8 vị vua nhà Lý là: Lý Thái Tổ (1009-1028), Lý Thái Tông (1028-1054), Lý Thánh Tông (1054-1072), Lý Nhân Tông (1072-1128), Lý Thần Tông (1128-1138), Lý Anh Tông (1138-1175), Lý Cao Tông (1175-1210) và Lý Huệ Tông (1210-1224). Trung tâm của đền là Chính điện, nơi thờ 8 vị vua nhà Lý, phía bên trái điện treo tấm bảng ghi lại "Chiếu dời đô" của vua Lý Thái Tổ với 214 chữ ứng với 214 năm trị vì của 8 đời vua nhà Lý, phía bên phải treo tấm bảng ghi bài thơ "Nam quốc sơn hà" của Lý Thường Kiệt. Đền Đô còn có nhiều hạng mục công trình lớn nhỏ khác như: nhà chuyển bồng, nhà tiền tế, nhà để kiệu thờ, nhà để ngựa thờ, nhà bia, thủy đình, nhà chủ tế, nhà văn chỉ (thờ các quan văn), nhà võ chỉ (thờ quan võ)… Lễ hội đền Đô được tổ chức vào các ngày 14, 15, 16 tháng 3 âm lịch hàng năm nhằm kỷ niệm ngày Vua Lý Thái Tổ đăng quang (ngày 15/3 năm Canh Tuất 1009). Đây là ngày hội lớn thể hiện lòng thành kính và nhớ ơn của người dân Việt đối với các vị vua nhà Lý.
Chỉ một lần đến Bắc Ninh, chắc hẳn trong tâm trí mỗi du khách sẽ còn đọng lại mãi hình ảnh của những tháp chùa cổ kính, những làng nghề truyền thống và lễ hội dân gian độc đáo, đặc biệt là những “liền anh, liền chị” với những câu hát quan họ như một lời mời gọi tha thiết và đầy níu kéo: “Người ơi, người ở đừng về…”
Bài: Phạm Phương; ảnh: TITC