Phát triển các sản phẩm lưu niệm, góp phần quảng bá du lịch Ninh Bình
Cập nhật: 17/04/2014
Sản phẩm lưu niệm và quà tặng du lịch là một trong những yếu tố góp phần tăng sức hấp dẫn, giữ chân du khách, khuyến khích chi tiêu và quảng bá hình ảnh du lịch hiệu quả. Khai thác các sản phẩm du lịch để kéo dài thời gian lưu trú của khách nhằm mang lại chất lượng và lợi nhuận cao trong hoạt động du lịch là một trong những vấn đề đã và đang được quan tâm để phát triển du lịch tại Ninh Bình.


Giới thiệu sản phẩm lưu niệm tại Hội chợ Thương mại tỉnh Ninh Bình

Hơn 10 năm tham gia bán hàng lưu niệm tại Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, bà Đinh Thị Hinh, xã Trường Yên (Hoa Lư) nhận thấy, bán hàng lưu niệm là công việc phù hợp với mọi lứa tuổi, nhất là những người có tuổi như bà. Đây cũng là công việc giúp gia đình bà có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Bà Hinh cho biết: Để tạo ấn tượng tốt đẹp trong mắt du khách, tôi và những người bán hàng cũng như người dân nơi đây luôn ý thức nâng cao hơn nữa việc xây dựng nếp sống văn minh du lịch, tuân thủ các quy định của Ban quản lý di tích, không tranh giành, mời gọi, ép khách mua hàng, bán hàng đúng giá... Bán hàng nhiều năm tôi nhận thấy, khách du lịch khi đã có ý muốn mua quà lưu niệm thì không cần chèo kéo, mời mọc họ cũng chủ động mua, mình chỉ cần nhiệt tình tư vấn để họ chọn được mặt hàng ưng ý là lần sau họ sẽ quay lại.

Tại Khu du lịch sinh thái Tràng An, những gian hàng bán quà lưu niệm được bố trí rất quy củ, được chia thành gian bán hàng ẩm thực, gian bày đồ thủ công mỹ nghệ, đồ phong thủy... Các gian hàng tại đây không những phong phú về chủng loại, đảm bảo chất lượng mà thái độ phục vụ khách hàng chu đáo, niềm nở của người bán cũng để lại ấn tượng tốt đẹp đối với du khách mỗi khi đến tham quan, chiêm bái.

Có dịp về thăm Ninh Bình, được đi nhiều nơi tham quan các danh lam thắng cảnh nổi tiếng trong tỉnh, chị Nguyễn Thị Thanh Trúc, du khách đến từ Bạc Liêu không chỉ hài lòng với cung cách phục vụ đang dần chuyên nghiệp của những người làm du lịch tại đây mà còn rất háo hức với các món quà lưu niệm tại các điểm đến.

Chị Thanh Trúc cho biết: Thăm Nhà thờ đá Phát Diệm xong, tôi rất háo hức với những món đồ lưu niệm được bán tại đây. Đó là những chiếc vòng ngọc đa màu sắc, nhiều loại dây đeo cổ mang hình thánh giá, hình chúa Giê su, đức mẹ Maria. Những mặt hàng làm bằng cói tương đối đẹp, như các hộp cói, mũ cói, dép cói… nhưng màu sắc và mẫu mã vẫn chưa phong phú, hơn nữa còn khá to và cồng kềnh, không thuận tiện cho du khách ở xa khi vận chuyển…

Ở mỗi khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh ta đều đã hình thành và phát triển các mặt hàng du lịch đặc trưng của các vùng miền. Đó là những gian hàng bán các sản phẩm thêu tay ở Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động; các mặt hàng cói ở Nhà thờ đá Phát Diệm; các món ẩm thực dân dã, đặc trưng như cơm cháy, thịt dê, mắm tép tại Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính... Hầu hết các gian bán hàng lưu niệm, quà tặng này do các Công ty du lịch đầu tư hoặc do người dân thuê mặt bằng kinh doanh.

Theo những người kinh doanh các sản phẩm lưu niệm, muốn phát triển loại hình dịch vụ này, bên cạnh việc chú ý tới chất lượng, mẫu mã các sản phẩm, thái độ phục vụ thân thiện, cởi mở với khách hàng cũng là điều rất quan trọng. Qua tìm hiểu nhận thấy, hầu hết các khu, điểm du lịch lớn trên địa bàn tỉnh đã thực hiện được văn hoá, văn minh trong bán hàng lưu niệm, quà tặng, do đó hầu hết du khách khi đến tham quan, mua hàng lưu niệm luôn có ấn tượng tốt đẹp.

Không thể phủ nhận những lợi ích từ các sản phẩm lưu niệm, quà tặng mang lại đối với việc phát triển du lịch ở địa phương. Nhưng thực tế thị trường sản phẩm lưu niệm ở tỉnh ta chưa phát triển tương xứng với tiềm năng du lịch vốn có. Trên địa bàn tỉnh có rất nhiều di tích lịch sử văn hóa cùng hàng trăm lễ hội, phong tục tập quán độc đáo. Một lợi thế nữa là tỉnh ta cũng có vài chục làng nghề truyền thống đã được công nhận, có thể tạo ra khá nhiều các sản phẩm thủ công độc đáo như: Gốm, cói, mây tre đan, gỗ mỹ nghệ, sản phẩm thêu ren…

Mỗi làng nghề được hình thành là sự kết tinh truyền thống, văn hóa, tình cảm của con người nên mỗi sản phẩm đều mang nét đặc sắc riêng. Dưới bàn tay cần cù, trí sáng tạo, các sản phẩm của làng nghề truyền thống trong tỉnh đã có mặt ở hầu hết các thị trường trong và ngoài nước, nhưng các sản phẩm lưu niệm lại chưa được chú trọng đầu tư.

Nguyên nhân là do du lịch làng nghề chưa phát triển, người dân tại các làng nghề chưa chú trọng đến việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng tạo dựng thương hiệu, lợi thế cạnh tranh bền vững, chưa có thói quen tạo sản phẩm lưu niệm để bán cho khách du lịch. Một số sản phẩm có được bày bán nhưng kiểu dáng, kích cỡ cồng kềnh, khó vận chuyển hoặc giá thành cao… không hấp dẫn du khách….

Để những sản phẩm của các làng nghề trở thành sản phẩm lưu niệm, quà tặng cần có sự nghiên cứu, đầu tư hợp lý, trước hết, cần tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức trong bảo tồn, phát huy giá trị của nghề, duy trì và truyền dạy nghề. Bên cạnh đó, cần quy hoạch, hỗ trợ về vốn, mặt bằng sản xuất và có sự hướng dẫn, tư vấn về mẫu mã, kiểu dáng, thương hiệu sản phẩm để phù hợp với thị hiếu khách du lịch. Các cơ sở sản xuất và đơn vị lữ hành du lịch cần tăng cường hơn nữa công tác phối hợp, liên kết trong khâu chào hàng, giới thiệu và bán sản phẩm lưu niệm...

Bên cạnh đó, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân trong việc duy trì, bảo tồn nghề truyền thống; tạo điều kiện về mặt bằng sản xuất, vốn, nhân lực cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất các sản phẩm lưu niệm thủ công truyền thống, qua đó tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch tại địa phương...

Báo Ninh Bình