Lễ kỷ niệm trọng thể 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
Cập nhật: 07/05/2014
Sáng 7/5, tại thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Điện Biên đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2014).

Từ sáng sớm, đông đảo cán bộ, chiến sĩ, đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên đã tề tựu tại Sân vận động Điện Biên – nơi diễn ra Lễ kỷ niệm, phấn khởi, náo nức đón chào Đại lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Lê Hồng Anh, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ; Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an; Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

Tham dự Lễ kỷ niệm có đồng chí Lò Mai Trinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương; các đồng chí lãnh đạo các địa phương, cán bộ lão thành cách mạng, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động, mẹ Việt Nam Anh hùng, các cựu chiến binh, thanh niên xung phong đã tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ và kháng chiến chống thực dân Pháp; lãnh đạo và đại diện nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên, các tỉnh Tây Bắc và một số tỉnh, thành trong cả nước...

Đến dự và chia vui với nhân dân Việt Nam và đồng bào các dân tộc Điện Biên trong dịp kỷ niệm trọng đại có Đoàn đại biểu cấp cao nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào do đồng chí Asang Laoly, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Phó Thủ tướng Chính phủ dẫn đầu; Đoàn đại biểu cấp cao Vương quốc Campuchia do bà Men Xom On, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng Nhân dân Cam-pu-chia, Phó Thủ tướng Chính phủ dẫn đầu; Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng Lao động Mê-hi-cô do đồng chí Alberto Anaya Gutiérrez, Tổng Bí thư dẫn đầu; cùng các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Các đồng chí nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gửi Lẵng hoa chúc mừng nhân Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.


Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu tại Lễ kỷ niệm.
Ảnh : Trí Dũng – TTXVN

Trong rực rỡ cờ, hoa và không khí tưng bừng, phấn khởi ngày Đại lễ, Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ bắt đầu với màn trình diễn múa nghệ thuật của Đội nghi lễ Quân đội nhân dân Việt Nam với chủ đề “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bản hùng ca vang mãi”. Đây là các tiết mục nghệ thuật biến tấu dựa trên cảm hứng từ các động tác nghi thức đội hình, đội ngũ của quân đội, động tác kéo pháo, đào công sự...với phần nhạc đệm của các ca khúc về Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác cùng các làn điệu dân ca Thái...

Trên màn hình lớn đặt tại Sân vận động Điện Biên, bộ phim tư liệu Chiến thắng Điện Biên Phủ được trình chiếu, tái hiện lịch sử hào hùng của dân tộc qua chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Trong suốt thời gian diễn ra Lễ kỷ niệm, trên khán đài, khối xếp hình lớn thể hiện hoành tráng các hình ảnh cờ Đảng, cờ Tổ quốc, hình hoa văn dân tộc, các sóng màu cùng những dòng khẩu hiệu “Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/1954 - 7/5/2014”, “Quyết chiến - Quyết thắng”, “Xây dựng đất nước”, “Bảo vệ tổ quốc”...

Đúng 7 giờ 30, Chương trình mít tinh kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ bắt đầu. Đội quân nhạc cử Quốc ca vang lên hùng tráng.

Trong không khí trang nghiêm và trọng thể tại Lễ kỷ niệm, thay mặt Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đọc Diễn văn, thành kính bày tỏ tưởng nhớ và lòng biết ơn vô hạn Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng tư lệnh Quân đội, trực tiếp là Chỉ huy trưởng, Bí thư Đảng ủy chiến dịch Điện Biên Phủ; các tướng lĩnh, cán bộ, chiến sỹ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và quân dân cả nước đã anh dũng chiến đấu, hy sinh, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.

Trong niềm tự hào và xúc động sâu sắc, Chủ tịch nước gửi đến các cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân công, các đồng chí thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có người tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ lời thăm hỏi ân cần, những tình cảm chân thành, sâu sắc.

Chủ tịch nước khẳng định Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là một bản anh hùng ca bất hủ bắt nguồn từ truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc ta, từ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, từ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân và ý chí quyết tâm chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc của quân và dân ta.

Trong chiến dịch lịch sử này, Trung ương Đảng, Chính phủ, Tổng Quân uỷ, Bộ Tổng tư lệnh đã tổ chức, động viên một lực lượng to lớn sức người, sức của của nhân dân Việt Bắc, Tây Bắc, đồng bằng và Trung du Bắc Bộ, Liên khu Bốn đóng góp cho mặt trận.

Trên chiến trường Điện Biên Phủ, Bộ chỉ huy chiến dịch, Đảng uỷ Mặt trận, đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi thực hiện sự chỉ đạo chiến lược và phương châm đánh địch đúng đắn của Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng quân ủy, đã sáng suốt quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “Đánh nhanh, giải quyết nhanh” chuyển sang “Đánh chắc, tiến chắc” vào ngay trước giờ chiến dịch mở màn. Sau 56 ngày đêm chiến đấu vô cùng anh dũng, với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, bộ đội ta đã tiêu diệt hoàn toàn Tập đoàn cứ điểm của địch. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.

Chủ tịch nước nêu rõ, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của lòng yêu nước nồng nàn, ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam; là chiến thắng của đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ta, độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội; của đường lối kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện, biết đánh và biết thắng, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, dựa vào sức mình là chính, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại.

Chủ tịch cho rằng, chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của tình đoàn kết chiến đấu thuỷ chung, son sắt của quân và dân 3 nước Việt Nam , Lào, Cam-pu-chia, cũng là chiến thắng chung của các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ, nhân dân ta đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu của Nhà nước, nhân dân Liên Xô, Trung Quốc, các nước xã hội chủ nghĩa anh em, các dân tộc bị áp bức ở Châu Á, Châu Phi, Mỹ La tinh và phong trào đấu tranh của nhân dân tiến bộ trên thế giới, trong đó có nhân dân tiến bộ Pháp. Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam mãi mãi ghi nhớ, biết ơn về sự ủng hộ, giúp đỡ hết sức quý báu đó.

Chiến thắng Điện Biên Phủ làm sáng ngời chân lý: Một nước nhỏ, kinh tế chậm phát triển, nếu có một Đảng Mác xít chân chính lãnh đạo, có đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, phát huy được sức mạnh toàn dân tộc, được nhân dân thế giới đồng tình ủng hộ, thì nhất định đánh bại mọi cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù, dù kẻ thù đó mạnh hơn nhiều lần.

Chủ tịch nhấn mạnh, đất nước ta sau gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, đã đạt được những thành tựu to lớn: giữ vững ổn định chính trị - xã hội, thoát khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển; đời sống nhân dân được cải thiện; vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới được nâng cao. Tuy nhiên, những thành tựu đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của đất nước. Kinh tế phát triển còn chậm và chưa bền vững; các lĩnh vực văn hoá, xã hội, môi trường còn nhiều bất cập; một số mặt còn yếu kém, chậm được giải quyết, trở thành vấn đề bức xúc trong xã hội…

Tình hình đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải phát huy bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam và tinh thần Điện Biên Phủ, phát huy cao độ nội lực có ý nghĩa quyết định, tranh thủ ngoại lực có ý nghĩa quan trọng, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, lập nên những kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Khẳng định một dân tộc từng làm nên Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu và Đại thắng mùa Xuân 1975, nhất định có đầy đủ tinh thần và lực lượng, tài năng và nghị lực đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, tiến lên văn minh, hiện đại, Chủ tịch nước đề nghị cả nước cần phải thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" gắn với thực hiện đạt hiệu quả thiết thực Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; kiên quyết đấu tranh đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và trong xã hội; chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ Xã hội chủ nghĩa; ra sức xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân vững chắc, xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, đủ sức hoàn thành mọi nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới; chăm lo tốt hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần các mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình chính sách, người có công với nước; chăm lo, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống đồng bào vùng căn cứ cách mạng trước đây và vùng biên giới, hải đảo của Tổ quốc, trong đó, đặc biệt là nhân dân các dân tộc vùng Tây Bắc đã trực tiếp đóng góp sức người, sức của cho Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Vận dụng bài học kinh nghiệm của Chiến thắng Điện Biên Phủ về phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại trong công cuộc đổi mới, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện nhất quán, có hiệu quả đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; đa phương hoá, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Nêu bật ý nghĩa chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu mãi mãi là một mốc son chói lọi trong lịch sử và niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, Chủ tịch nước kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài đồng tâm, hiệp lực, tận dụng vận hội, thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới đất nước vì mục tiêu cao cả dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. (Xem toàn văn Diễn văn của Chủ tịch nước trên trang tin).

Thay mặt hàng ngàn cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tá - Anh hùng lực lượng vũ trang Phùng Văn Khầu, nguyên chiến sĩ pháo binh trong chiến dịch đã phát biểu, bày tỏ niềm vinh dự được trực tiếp tham gia, đóng góp công sức của mình vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc... Ôn lại những kỷ niệm đầy gian khổ, hy sinh cùng đồng chí, đồng đội trong trận chiến 60 năm trước, Anh hùng lực lượng vũ trang Phùng Văn Khầu bày tỏ lòng biết ơn Đảng, Bác Hồ kính yêu và đồng bào Tây Bắc; tưởng nhớ tới hàng nghìn đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh xương máu, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.


Hình ảnh diễu binh, diễu hành của Lễ kỷ niệm

Hòa cùng giai điệu âm vang, hào hùng của bản hùng ca lịch sử “Giải phóng Điện Biên”, hàng trăm chùm bóng bay rực rỡ sắc màu được các cháu thiếu nhi thả lên bầu trời Điện Biên trong xanh như thể hiện khát vọng hòa bình của dân tộc.

Chương trình diễu binh, diễu hành của Lễ kỷ niệm bắt đầu bằng khối Nghi trượng. Đi đầu đội hình là Quốc huy với 54 nam, nữ thanh niên trong trang phục các dân tộc diễu qua lễ đài. Quốc huy được đặt trên biểu tượng rồng thiêng đang vươn mình bay lên, thể hiện ý chí và khát vọng của dân tộc Việt Nam . Tiếp đó là khối cờ Đảng, cờ Tổ quốc do khối thanh niên với trang phục thể thao màu trắng rước qua lễ đài. Sau khối cờ Tổ quốc là xe rước ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, xe Mô hình biểu tượng Chiến thắng Điện Biên Phủ với biểu tượng các chiến sĩ phất cờ “Quyết chiến- Quyết thắng” trên nóc hầm Đờ Cát, với các cháu thiếu nhi, các thiếu nữ trong trang phục dân tộc Thái, các thanh niên trong trang phục chỉnh tề tháp tùng.

Tiếp theo khối Nghi trượng là lực lượng diễu binh qua lễ đài, với xe chỉ huy, xe tổ Quân kỳ toàn quân; khối Chiến sĩ Điện Biên Phủ với trang phục áo trấn thủ, mũ lưới ngụy trang thể hiện hình ảnh của Anh bộ đội Cụ Hồ trong Chiến dịch Điện Biên. Tiếp đến là các khối Sĩ quan Lục quân, Hải quân, Phòng không - Không quân, Biên phòng, nữ Sĩ quan Thông tin - Liên lạc; khối chiến sĩ Bộ binh, Đặc công, Cảnh sát biển, thể hiện sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Sau khối Quân đội là Công an kỳ và các khối sĩ quan An ninh nhân dân, Cảnh sát nhân dân, Cảnh sát cơ động. Tiếp đó là các khối nam, nữ dân quân, tự vệ; nổi bật trong đoàn diễu binh là khối Nữ du kích Củ Chi đại diện cho dân quân Nam Bộ với trang phục bà ba đen, khăn rằn, mũ tai bèo vừa duyên dáng, vừa hùng dũng.

Theo sau khối diễu binh là khối diễu hành với các lực lượng Cựu chiến binh, Công nhân, Nông dân, Trí thức, Thanh niên, Phụ nữ; khối các dân tộc 6 tỉnh Tây Bắc: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình, Yên Bái, Lào Cai - nơi đã diễn ra các trận chiến đấu của quân và dân ta chống thực dân Pháp trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Khối các dân tộc tỉnh Điện Biên diễu qua lễ đài trong lời giới thiệu âm vang “...60 năm trước, nhân dân Điện Biên đã sát cánh cùng bộ đội, dân công và cả dân tộc làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ - một trong những kỳ tích của thời đại Hồ Chí Minh. Hôm nay, mảnh đất Điện Biên đang từng này thay da đổi thịt, phát triển, ấm no, xứng đáng với mong mỏi của những người con đã dũng cảm chiến đấu, hi sinh giải phóng đất mẹ và khát vọng ngàn đời của người dân miền Tây Bắc tổ quốc...”.

Kết thúc chương trình diễu binh, diễu hành là chương trình nghệ thuật đặc sắc của 500 nghệ sĩ, diễn viên thay mặt giới văn nghệ sĩ của cả nước. Các tiết mục múa mang làn điệu dân gian của các dân tộc Thái, Mông, Mường...; các tiết mục biểu diễn võ thuật; múa sạp với hình ảnh những anh Bộ đội Cụ Hồ và các thiếu nữ dân tộc Thái trong ngày vui sau Chiến thắng Điện Biên Phủ đã khép lại chương trình Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Từ Sân vận động Điện Biên, đoàn diễu binh, diễu hành bắt đầu diễu qua các tuyến đường trên thành phố Điện Biên Phủ, qua Nghĩa trang liệt sĩ A1, Đồi A1, Tượng đài Chiến thắng... để báo công với cha anh đã nằm lại trên mảnh đất này; để đồng bào các dân tộc Tây Bắc và du khách được chứng kiến, sống lại những năm tháng hào hùng của dân tộc.

Báo Tin tức