Huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang nằm trong vùng biển Tây Nam của Tổ quốc đầy tiềm năng phát triển du lịch, có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng - an ninh. Thực hiện Quyết định số 178 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển tổng thể đảo ngọc này đến năm 2010 và tầm nhìn năm 2020, Phú Quốc đã chuyển mình vươn dậy, nhất là từ năm 2011 đến nay.
|
Ông Huỳnh Quang Hưng, phó chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quốc chia sẻ: kinh tế Phú Quốc đang phát triển và gặt hái những kết quả ban đầu. Huyện xác định 2 lĩnh vực trọng yếu gắn kết với nhau là du lịch và thu hút đầu tư làm khâu đột phá để tập trung nguồn lực đầu tư, tạo ra những chuyển biến toàn diện, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.
Trong giai đoạn 2011 - 2013, huyện đã thu hút 55 dự án đầu tư, diện tích 1.240 ha, có 2 nhà đầu tư lớn trong nước là Tập đoàn Vingroup và Sungroup, nâng tổng số hiện nay lên 194 dự án, diện tích 8.768 ha.
Trong đó, 94 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, diện tích 4.214ha với tổng vốn đầu tư hơn 101.000 tỷ đồng; có 13 dự án hoàn thành và đi vào hoạt động, tổng vốn đầu tư gần 4.200 tỷ đồng; 16 dự án đang triển khai xây dựng, tổng vốn đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng, các dự án còn lại đang hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Trong 3 năm (2011 - 2013), kinh tế Phú Quốc phát triển mạnh và tăng trưởng cao, bình quân 24,8%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng thương mại - dịch vụ chiếm hơn 47%, công nghiệp - xây dựng chiếm trên 20%, còn lại là nông - lâm - thủy sản. Một số lĩnh vực có tiềm năng lợi thế như kinh tế biển với sản lượng khai thác tăng 8%/năm; du lịch với lượng du khách tăng hơn 21%/năm.
Năm 2013, tổng mức đầu tư toàn xã hội gần 12.000 tỷ đồng (gấp 4,7 lần), thu ngân sách 974 tỷ đồng (gấp 4,3 lần), thu nhập bình quân đầu người 3.414 USD (gấp 2 lần) so với năm 2020 và tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,7%.
Một thành phố biển vóc dáng hiện đại đang dần hiện ra với các dự án công trình trọng điểm được tập trung đầu tư xây dựng và hoàn thành đưa vào hoạt động như cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc, cảng biển Quốc tế An Thới, trục giao thông chính Nam - Bắc đảo, hệ thống đường vòng quanh đảo kết nối với các khu du lịch, đường điện cáp ngầm 110KV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc… với tổng mức đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng.
Theo ông Lê Văn Minh ở thị trấn Dương Đông, Phú Quốc bây giờ mới thực sự trở thành đảo ngọc mà nhiều người đã gọi trước đây. Mọi thứ phát triển quá nhanh như đường Nam - Bắc đảo 4 làn xe 2 chiều riêng biệt xây dựng hiện đại; sân bay Quốc tế Phú Quốc có các chuyến bay thẳng đến Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ và đặc biệt là kết nối với nước Nga; nhà hàng, khách sạn cao cấp không ngừng mọc lên không thua kém gì ở những đô thị, thành phố lớn trong đất liền.
Trong số những dự án trọng điểm đầu tư xây dựng trên đảo Phú Quốc, công trình điện cáp ngầm 110KV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc đưa điện quốc gia ra đảo ngọc là ấn tượng nhất đối với người dân ở đây. Ông Minh cũng bày tỏ, khi khởi công xây dựng cáp ngầm Hà Tiên - Phú Quốc, nhiều người dân sống ở đảo còn “bán tín - bán nghi” nhưng niềm vui của người dân Phú Quốc đã vỡ òa niềm vui trong ngày đón dòng điện quốc gia đầu tiên ra đảo.
Mới đây, trong chương trình xúc tiến đầu tư vào Việt Nam tổ chức tại Singapore cuối tháng 4 vừa qua, đoàn công tác tỉnh Kiên Giang do chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thi dẫn đầu tham dự đã có nhiều hoạt động giới thiệu, cung cấp thông tin cần thiết về cơ sở hạ tầng, các chính sách, dự án đang kêu gọi đầu tư vào Phú Quốc.
Đặc biệt, Đề án “Phát triển đặc khu kinh tế đảo Phú Quốc” đang xây dựng với cơ chế đặc thù, ưu đãi đầu tư ở mức cao nhất, lần đầu tiên được áp dụng; hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, năng lượng đồng bộ, hiện đại, kết hợp với khai thác tiềm năng của đảo.
Từ diễn đàn này, tin vui đến với Phú Quốc là các doanh nghiệp Singapore sẽ tìm hiểu để có thể đầu tư vào các khu du lịch sinh thái, khu đô thị khoa học, khu công nghiệp công nghệ cao… với tổng diện tích khoảng 4.000 ha tại đảo ngọc.