Xây dựng và phát triển Huế - Đô thị Di sản Văn hóa đặc sắc ở khu vực Đông Nam Á
Cập nhật: 23/05/2014
Sáng 22/5, tại Hà Nội, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Tổng hội Xây dựng Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Xây dựng và phát triển Huế - Đô thị Di sản Văn hóa đặc sắc khu vực Đông Nam Á”.

Chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế; Nguyễn Văn Cao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kiến trúc xây dựng và Đô thị; TS. Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - Nguyễn Văn Cao cho biết: Nét đặc thù về lịch sử, văn hóa, xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Trung ương của Thừa Thiên Huế rất khác so với các đô thị trực thuộc Trung ương khác của Việt Nam. Thừa Thiên Huế sẽ phát triển đô thị một cách bền vững, trên cơ sở thế mạnh đặc trưng của mình, theo mô hình: “Thành phố di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan và thân thiện với môi trường”.

Trên cơ sở định hướng đó, các nhà khoa học, quản lý, nghiên cứu văn hóa, lịch sử Huế, quản lý phát triển đô thị tham gia hội thảo đã tập trung thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết để Thừa Thiên Huế phát triển bền vững hơn. Các ý kiến tập trung làm rõ hai vấn đề chính, đó là vai trò lịch sử, sự cần thiết phát triển Huế - Đô thị di sản Văn hóa đặc sắc khu vực Đông Nam Á và phát triển lợi thế, vượt qua thách thức phát triển thành phố Huế trực thuộc Trung ương.

Hội thảo cũng đã dành khá nhiều thời gian cho phần thảo luận với nhiều ý kiến tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý trên nhiều lĩnh vực: Xây dựng, quy hoạch, bộ máy hành chính, bảo tồn và khai thác các di sản văn hóa cho phát triển…

Nhiều ý kiến khẳng định, Thừa Thiên Huế có rất nhiều lợi thế, nét đặc trưng riêng khó địa phương nào có được. Tuy nhiên, so với các địa phương khác, Thừa Thiên Huế có đất rộng, mật độ dân số thấp, trình độ phát triển kinh tế nói chung, công nghiệp – dịch vụ nói riêng của tỉnh chưa cao. Điều này nếu không được khắc phục sẽ giảm sức hấp dẫn, sức cạnh tranh thu hút các nguồn lực phát triển từ bên ngoài, thiệt thòi trong trong việc phân bổ lợi ích tăng trưởng. Do vậy, Huế cần định vị và phát triển một cách hợp lý; trong đó, tăng cường năng lực cạnh tranh. Điều quan trọng thương hiệu của Huế phải gắn kết mật thiết với hình ảnh của một cố đô, một trung tâm Phật giáo quan trọng, một thành phố du lịch festival đặc sắc, một trung tâm giáo dục và y tế nổi tiếng và cuối cùng là một trung tâm công nghiệp công nghệ cao, năng động.

Đến nay, Thừa Thiên Huế cũng chưa có một “đầu tàu” hay một trung tâm phát triển đúng nghĩa, đủ mạnh để kéo cả tỉnh phát triển. Những lợi thế của Thừa Thiên Huế cũng chỉ được “khai thác tài nguyên thô”. Nghĩa là tập trung khai thác lợi thế có sẵn, ít tạo ra giá trị gia tăng mới, chưa đủ tầm cỡ cạnh tranh quốc tế, chưa đặt trong sự kết nối vùng, quốc gia, quốc tế. Hạ tầng cơ sở, hạ tầng đô thị và du lịch còn yếu kém, thiếu hụt, không đồng bộ…

Các đại biểu tham dự Hội nghị khẳng định: Để Huế thực sự trở thành điểm đến du lịch văn hóa hấp dẫn của khu vực và là một đô thị di sản văn hóa đặc sắc, Thành phố Huế phải tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận; phải có sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn; phải có các hoạt động vui chơi, giải trí hấp dẫn và phải có môi trường tốt; tạo ý thức chung về trách nhiệm bảo tồn di sản trong mỗi người dân và cấp ủy, chính quyền các cấp; xác định bảo tồn di sản là một bộ phận hữu cơ của hệ thống cấu kết các chính sách phát triển kinh tế và xã hội; biến những di sản Huế trở thành những sản phẩm văn hóa độc đáo, sản phẩm du lịch bền vững…

Các ý kiến tham dự Hội thảo là cơ sở để Thừa Thiên Huế sớm hoàn chỉnh cơ sở lý luận về những tiềm năng, thế mạnh về đặc trưng văn hóa, xã hội; làm rõ và khẳng định hướng phát triển đô thị của Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương, theo Kết luận 48 của Bộ Chính trị.

ĐCSVN