Tiềm năng nhiều, lợi thế lớn nhưng khó khăn, thách thức không ít, trong bối cảnh ấy, việc tìm lời giải cho bài toán phát triển đã được các đại biểu tham dự "Diễn đàn Phát triển bền vững khu vực duyên hải miền Trung" bước đầu phác thảo.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các đại biểu dự Diễn đàn sáng ngày 3/6/2014
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Diễn đàn là cơ hội để Chính phủ, các cơ quan Trung ương, các đối tác phát triển, các doanh nghiệp đề xuất và thảo luận các giải pháp chính sách để duy trì và đẩy mạnh hơn nữa những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội đã đạt được, tái cơ cấu nền kinh tế của vùng duyên hải miền Trung hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Kết nối giao thông đồng bộ, hợp lý, hiệu quả
Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây là khu vực có địa chính trị đặc biệt quan trọng, nhiều tiềm năng lớn như bờ biển dài để phát triển kinh tế biển, du lịch, logistics; nằm giữa hai cực phát triển nhất của cả nước; tài nguyên sinh vật biển phong phú với nhiều nguồn lợi thuỷ hải sản; tài nguyên đất rừng lớn; nguồn lao động trẻ chiếm đến 60%...
Vì vậy cơ hội để phát triển trong tương lai của vùng là mở rộng quan hệ thương mại và đầu tư khi một số hiệp định tự do thương mại có hiệu lực, các ngành kinh tế biển như hàng hải sẽ có lợi thế phát triển. Sự dịch chuyển tương đối của các ngành, lĩnh vực đầu tư tới khu vực miền Trung, cộng đồng các nhà tài trợ dành cho nguồn lực nhất định để hỗ trợ phát triển. Phát triển kết cấu hạ tầng, xoá đói giảm nghèo hiện với nhiều cơ chế, chính sách, các dự án đầu tư từ phía Chính phủ hiện nay.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra những khó khăn, thách thức chủ yếu của khu vực này là do lợi thế tương đối đồng nhất nên sự phối hợp giữa các địa phương khó khăn, phân tán nguồn lực; bên cạnh đó, địa hình vùng phức tạp, chia cắt mạnh, hẹp, bờ biển dài làm cản trở tổ chức không gian phát triển KT-XH; khó khăn trong phát triển giao thông, nhất là theo trục ngang; lũ lên nhanh gây trôi lụt cho khu vực đồng bằng nơi có nhiều hoạt động kinh tế, các công trình trọng điểm và lưu lượng nước giữa các mùa chênh lệch lớn, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Do đó, thách thức chủ yếu đối với khu vực là phải vượt qua được xuất phát điểm kinh tế thấp, phát huy được tiềm năng, thế mạnh để phát triển; hạn chế tác động từ chính các hoạt động kinh tế đối với môi trường; giảm chênh lệch trong việc huy động và sử dụng nguồn lực…
Theo các đại biểu, bài toán lớn đặt ra cho phát triển bền vững khu vực này trong giai đoạn tới là phải bảo đảm phát triển và giảm nghèo bền vững; phát triển bền vững kết cấu hạ tầng; tăng trưởng toàn diện. Đặc biệt là kết nối giao thông hạ tầng trong vùng cần được bố trí một cách hợp lý và hiệu quả.
Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Nguyễn Văn Vịnh (Bộ KHĐT) cho rằng, để thực hiện được các mục tiêu trên nhất định phải có vai trò của Chính phủ, các bộ ngành Trung ương trong việc chỉ đạo các cơ quan liên quan tổ chức các chương trình, đề án, quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH vùng, lãnh thổ trong vùng theo hướng bảo đảm phát triển bền vững. Hoàn thiện môi trường pháp lý theo hướng huy động rộng rãi nguồn lực xã hội, có chính sách đặc thù để giải quyết những vấn đề liên quan đến vùng. Đề ra, giám sát và đánh giá việc thực hiện chính sách, chương trình giảm nghèo quốc gia, ban hành các chính sách an sinh. Hỗ trợ nguồn lực, kêu gọi và hướng cộng đồng tài trợ nước ngoài, các doanh nghiệp chung tay cùng chính quyền địa phương trong vùng thực hiện giảm nghèo.
Bên cạnh đó, không thể tách rời vai trò của các bên liên quan, nhất là của chính quyền địa phương trong cải thiện môi trường đầu tư, cụ thể hoá các chính sách, sử dụng hiệu quả các nguồn lực Nhà nước, đồng thời, phải xét đến vai trò rất quan trọng của doanh nghiệp và đối tác phát triển nước ngoài.
TS. Nguyễn Xuân Thành (Chương trình Fulbright Việt Nam) cho rằng, cần các cực phát triển trong nội vùng thúc đẩy phát triển kinh tế của duyên hải miền Trung để từ đó lan toả chứ không bị ảnh hưởng từ các khu vực khác.
Muốn phát huy lợi thế nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, cũng cần loại bỏ các rào cản hành chính để lao động tự do dịch chuyển trong nội vùng.
Đề xuất, thảo luận các giải pháp lớn cho phát triển vùng
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đây là khu vực có vị trí địa kinh tế-chính trị chiến lược quan trọng của đất nước, là cửa ngõ hướng ra Biển Đông trong giao thương với khu vực và thế giới.
Khu vực này có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển KT-XH với cảng nước sâu, thiên nhiên tươi đẹp, tài nguyên biển phong phú, tài nguyên khoáng sản đa dạng, nguồn nhân lực trẻ và dồi dào. Để phát huy tiềm năng to lớn đó, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển KT-XH của vùng. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung với mục tiêu trở thành khu vực phát triển năng động, nhanh và bền vững.
Để thực hiện thành công mục tiêu đặt ra trong quy hoạch vùng, Phó Thủ tướng nêu một số nội dung trọng tâm để các đại biểu cùng trao đổi. Đó là, phân tích, làm rõ các tiềm năng, thế mạnh của vùng, từng địa phương; những khó khăn trong phát triển KT-XH. Từ đó, hoàn thiện quy hoạch địa phương gắn với quy hoạch vùng, tạo sự liên kết chặt chẽ về không gian kinh tế, thảo luận các giải pháp và đề xuất các phương án hỗ trợ thiết thực, hiệu quả.
Thảo luận về tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu và thiên tai đối với vùng, các suy thoái của môi trường, đặc biệt là nguồn nước. Đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là nhân lực chất lượng cao. Đây là khó khăn cấp bách của vùng, cần xác định là ưu tiên hàng đầu, là bước đột phá.
Bên cạnh đó, đề xuất được các chính sách, giải pháp huy động của nguồn tài chính có tính khả thi cao, phù hợp với kế hoạch theo từng giai đoạn. Đồng thời, xác định rõ vai trò, sự tham gia của chính các cấp, doanh nghiệp và khu vực tư nhân, cộng đồng dân cư và các đối tác quốc tế đối với sự phát triển khu vực.
Phó Thủ tướng cũng nêu rõ, trước việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển của Việt Nam, tàu cá của ngư dân đánh bắt hải sản ở ngư trường truyền thống khu vực quần đảo Hoàng Sa bị xua đuổi, thậm chí bị đâm chìm. Chúng ta kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ lẽ phải và chính nghĩa. Trong bối cảnh ấy, việc bảo đảm an toàn cho hoạt động của ngư dân bám biển đã đặt ra nhiệm vụ phát triển bền vững cho khu vực, trong đó có vai trò của kinh tế biển nhằm thực hiện chiến lược phát triển gắn với bảo đảm quốc phòng và giảm nghèo bền vững.