UBND tỉnh Trà Vinh đã có văn bản đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa lễ hội Ok - Om - Bok của đồng bào dân tộc Khmer vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
|
Hiện Trà Vinh có hơn 300.000 đồng bào dân tộc Khmer sinh sống và là một trong hai tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Lễ hội Ok - Om - Bok hay còn gọi là lễ cúng trăng là một trong ba lễ chính hàng năm của tộc người Khmer Nam bộ (Sêne Đolta, Ok - Om - Bok và Chôl - Chhnam - Thmây) được tổ chức định kỳ hàng năm đúng vào ngày rằm tháng 10 Âm lịch, với nhiều hoạt động vui chơi, giải trí vừa mang tính dân gian vừa mang tính hiện đại. Từ đó, ngày hội càng thu hút nhiều du khách đến từ các tỉnh, thành phố trong khu vực, trong đó có một bộ phận Việt kiều về thăm quê vào dịp lễ hội Ok - Om - Bok hàng năm.
Theo quan niệm tín ngưỡng của người Khmer, Mặt trăng là vị thần cai quản thời tiết và mùa màng trong năm. Lễ cúng trăng thường được tổ chức tại phum sóc diễn ra ở sân chùa hay khuôn viên nhà theo nghi thức sau: Để chuẩn bị cho lễ cúng trăng, người Khmer thường làm một chiếc cổng bằng tre có trang trí hoa lá, trên cổng giăng một dây trầu gồm 12 lá trầu cuốn tròn tượng trưng cho 12 tháng trong năm và một dây cau gồm 7 trái chẻ vỏ ra như hai cánh con ong, tượng trưng cho 7 ngày trong tuần. Dưới cổng đặt 1 cái bàn gồm các sản vật như: chuối, dừa, khoai, cốm dẹp… (Sản vật cúng trăng tùy theo khả năng của mỗi gia đình nhưng không thể thiếu cốm dẹp).
Đúng vào đêm rằm tháng 10 Âm lịch, trước khi trăng lên đỉnh đầu, mọi người trong phum sóc tập trung tại khuôn viên chùa hay khuôn viên nhà - nơi không có bóng cây che khuất mặt trăng. Khi trăng lên cao tỏa sáng, người chủ lễ (cụ già) bắt đầu thắp nhang, nến, rót trà khấn vái bày tỏ lòng biết ơn của họ đối với vị thần Mặt trăng, cầu cho mưa thuận gió hòa, phum sóc bình yên, mọi người khỏe mạnh…
Qua khảo sát, kiểm kê các di sản văn hóa phi vật thể, xét thấy lễ hội Ok - Om - Bok của tộc người Khmer ở Trà Vinh là di sản văn hóa phi vật thể, thể hiện bản sắc văn hóa cộng đồng, được kế tục qua nhiều thế hệ cần được bảo tồn và phát huy.
Trà Vinh hiện có 3 di sản được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Cúng biển Mỹ Long, Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ tỉnh Trà Vinh và Nghệ thuật Chầm Riêng - Chà Pây của nghệ nhân Khmer xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú.