(TITC) - Vào khoảng đầu thế kỷ 17 thời các chúa Nguyễn, nhận thấy tầm quan trọng của việc mở mang bờ cõi và nguồn tài nguyên quý giá ở vùng biển Đông của Tổ quốc, đặc biệt là tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các chúa Nguyễn đã thành lập “đội Hoàng Sa” gồm 70 dân đinh giỏi nghề đi biển ở các làng An Vĩnh và An Hải tại vùng cửa biển Sa Kỳ (nay thuộc huyện Sơn Tịnh và Bình Sơn) và làng An Vĩnh, An Hải trên đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi để giương buồm vượt sóng ra khơi tìm kiếm hải vật, sản vật, đo đạc thủy trình, tuần phòng trên biển đảo, đồng thời cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Cứ vào tháng 2 hoặc tháng 3 âm lịch, đội lính này nhận lệnh ra đi và đến tháng 8 âm lịch trở về cửa Eo (nay là cửa Thuận An thuộc tỉnh Thừa Thiên – Huế) để nộp các loại hải vật quý giá cho triều đình. Đội Hoàng Sa sau này được củng cố thành Thủy quân Hoàng Sa (kiêm quản “đội Bắc Hải” có nhiệm vụ khai thác vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa). Đội Bắc Hải chủ yếu chiêu mộ các ngư dân làng Tứ Chính (tỉnh Bình Thuận). Trong suốt 3 thế kỷ hoạt động, đã có hàng vạn người lính Thủy quân Hoàng Sa vượt qua biết bao sóng gió, bão tố để thực thi nhiệm vụ giữ gìn chủ quyền lãnh thổ ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Do tính chất nguy hiểm của những chuyến đi biển, không phải người lính nào cũng có may mắn trở về đất liền an toàn. Theo ghi chép trong gia phả của các tộc họ có người đi lính Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn thì đã có rất nhiều người lính ra đi không trở về. Hình ảnh những khu mộ chiêu hồn không xác người (mộ gió) của các tộc họ Phạm Quang, Phạm Văn, Võ Văn… trên đảo Lý Sơn là một minh chứng bi hùng.
Để tưởng nhớ những người lính đã hy sinh khi làm nhiệm vụ và ý nguyện cầu bình an cho những lính mới, vào tháng 2 âm lịch hàng năm, người dân đảo Lý Sơn lại tổ chức Lễ Khao lề Thế lính Hoàng Sa thu hút sự tham gia của các tộc họ có người đi lính trên đất đảo. Khao lề là lệ khao định kỳ hàng năm, còn thế lính là nghi lễ cúng thế mạng cho những người lính thủy quân Hoàng Sa. Lễ Khao lề Thế lính Hoàng Sa còn để cúng tế tổ tiên, tế lễ và tưởng nhớ những người đi lính Hoàng Sa, Trường Sa đã khuất.
Khi tiến hành Lễ Khao lề Thế lính Hoàng Sa ở các tộc họ, tộc trưởng sẽ là người chủ tế. Các tộc họ tiền hiền, hậu hiền hoặc trưởng các chi phái là bồi tế (người giúp chủ tế hành lễ). Ngoài ra còn có thầy phù thủy (thầy pháp) là người điều hành lễ tế.
Chiều ngày 19/2 âm lịch (khoảng 17h), con cháu các tộc họ tập trung tại nhà thờ họ để dự lễ nhập yết với các lễ vật gồm trầu, rượu, cau, hoa quả, giấy cúng, nhang đèn. Vị trí đứng bái của các thành viên ban tế lễ được qui định cụ thể. Trưởng tộc là người chủ tế đứng ở bàn thờ chính giữa, hai người bồi tế đứng sau và hành lễ theo chủ tế. Bàn thờ bên đông là trưởng, thứ chi phái 1; bàn thờ bên tây là trưởng, thứ chi phái 2. Ngoài ra còn có đông xướng, tây xướng là người phụ trách xướng nghi thức trong lúc tế, đứng đối diện nhau. Trong buổi tế lễ còn có 6 - 8 người đứng hai bên phụ trách việc dâng hương, dâng rượu gọi là chấp sự. Nhạc lễ trong lễ tế gồm trống cái, chiêng, trống bồng, cặp sinh tiền, kèn, chập chõa. Một hồi trống vang lên, lễ nhập yết chính thức bắt đầu. Sau khi trưởng tộc đọc văn tế và thực hiện nghi thức dâng rượu, con cháu sẽ lần lượt vào bái lạy tổ tiên. Lễ nhập yết kéo dài trong khoảng 1 giờ, sau đó, các tộc họ chuẩn bị sửa sang lễ vật cho buổi tế chính.
Đúng 0h ngày 20/2 âm lịch, Lễ Khao lề Thế lính Hoàng Sa chính thức bắt đầu bởi 0h được xem là thời khắc linh thiêng, chuyển giao giữa hai ngày, mọi lời nguyện cầu vào thời điểm này sẽ hiệu nghiệm. Thầy pháp điều hành lễ tế, trưởng tộc và trưởng các chi phái đứng hầu thần. Lễ vật trong lễ tế chính thường có: trầu, rượu, hoa quả, thịt, cá, gạo, muối, mắm, nếp nổ, bánh khô…; và đặc biệt là chiếc thuyền tre có đế làm bằng thân cây chuối gắn đầy đủ buồm, cờ, phướn; hình nộm (hình nhân thế mạng) bằng khung tre dán giấy ngũ sắc và linh vị ghi tên tuổi của những người trong họ tộc đã hy sinh khi đi lính Hoàng Sa.
Thả thuyền lễ và hình nhân thế mạng
Sau khi cúng tế và làm các nghi thức bùa phép trước đàn thờ, gửi tên tuổi và linh hồn người sống sắp đi lính vào hình nộm, cúng phát lương, phát hịch, đốt vàng bạc cho binh lính, thầy pháp sẽ đặt các hình nộm vào thuyền và bắt đầu lễ rước ghe bầu. Đi đầu là những thanh niên mang cờ, phướn; tiếp theo là bốn thanh niên khiêng thuyền lễ; theo sau là thầy pháp, tộc trưởng, trưởng các chi phái và đoàn người gồm bà con trong tộc họ, những người trong làng cùng đội chiêng trống. Tại cửa biển trên đảo, sau khi thầy pháp vái tạ tứ phương, chiếc thuyền được đem thả xuống nước với ý nghĩa sinh mạng và tàu thuyền của đội lính Hoàng Sa đã được hiến tế cho thần linh, mọi rủi ro được xua đuổi và những người lính ra khơi trở sẽ về bình an. Kết thúc lễ tế (khoảng rạng sáng ngày 20), mọi người sẽ quay lại nhà thờ họ dự tiệc đãi.
Bên cạnh Lễ Khao lề Thế lính Hoàng Sa tại các tộc họ, trong những năm gần đây, chính quyền địa phương cùng các tộc họ còn cùng tổ chức Lễ Khao lề Thế lính của cộng đồng dân cư đảo Lý Sơn vào cuối tháng 3 âm lịch hàng năm với qui mô lớn hơn, thu hút đông đảo du khách và người dân các địa phương về dự. Lễ Khao lề Thế lính Hoàng Sa đảo Lý Sơn được tổ chức ở Âm linh tự hoặc đình làng An Vĩnh với các nghi lễ tương tự như ở các tộc họ, kết hợp với các sinh hoạt văn hóa như: lễ cầu siêu, hội hoa đăng, hát bội, múa lân, lễ rước và lễ hội đua thuyền tứ linh truyền thống. Công việc chuẩn bị cho buổi lễ do Ban khánh tiết làng An Vĩnh và ban quản lý di tích Âm linh tự phụ trách.
Tháng 4/2013, Lễ Khao lề Thế lính Hoàng Sa đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng. Lễ hội không chỉ góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa mà qua đó còn bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, đồng thời giáo dục truyền thống tự tôn dân tộc và các giá trị nhân văn sâu sắc đến mọi tầng lớp nhân dân.
Phạm Phương – Thu Giang