Lễ hội Lam Kinh 2008 gắn với 3 sự kiện lịch sử
Cập nhật: 21/08/2008
Cho đến thời điểm này, Lễ hội Lam Kinh 2008 coi như đã hoàn tất và đang chờ ngày khai mạc (22/9/2008 tức ngày 23/8 âm lịch). Lễ hội lần này gắn liền với 3 sự kiện lịch sử rất quan trọng, đó là: Kỷ niệm 590 năm khởi nghĩa Lam Sơn, 580 năm vua Lê Thái Tổ đăng quang và 575 năm ngày mất của anh hùng dân tộc Lê Lợi.

Chính vì gắn với 3 sự kiện lịch sử, cho nên hơn hẳn những năm trước,  Lễ hội Lam Kinh 2008 được tôn vinh ở quy mô cấp tỉnh.

Để chuẩn bị cho Lễ hội 2008 gắn với 3 sự kiện lịch sử quan trọng này, tỉnh Thanh Hóa đã dồn sức hoàn thành một số hạng mục cơ bản phục vụ cho Lễ hội như: lát sân Rồng, bao nền bằng gạch bát, gạch vồ sản xuất theo phương thức thủ công trên diện tích hơn 3.000m², lát đá đường thần đạo trên sân Rồng với chiều rộng 5,5m, hoàn thành các đồ chính ở 3 tòa miếu 4, 5, 6 phục vụ tế lễ, dâng hương trong lễ hội... Bên cạnh đó, các đoàn nghệ thuật ưu tú của tỉnh cũng được điều động để tham dự Lễ hội. Được biết, kịch bản Lễ hội được dàn dựng khá tươm tất với nội dung nêu bật 3 sự kiện lịch sử quan trọng và gắn với nội dung: Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Thanh Hóa phát huy hào khí Lam Sơn trong thực hiện CNH, HĐH xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Ngoài lễ dâng hương và các màn nghệ thuật diễn ra trên sân điện Lam Kinh, còn có các chương trình biểu diễn của các đoàn văn công, văn nghệ quần chúng, hội trại các làng văn hóa huyện Thọ Xuân... Thêm vào đó còn là các hoạt động trưng bày bảo tàng, triển lãm, thư viện, du lịch phục vụ lễ hội.

Từ năm 1995 đến nay, lễ hội Lam Kinh đã được tổ chức thường niên và ngày càng có sức cuốn hút, lan tỏa tới nhiều vùng, miền, thu hút du khách trong và ngoài tỉnh trở về nơi cội nguồn của vùng đất Lam Sơn lịch sử. Ban Tổ chức Lễ hội Lam Kinh 2008 hy vọng thông qua Lễ hội Lam Kinh 2008 sẽ thu hút được nguồn đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích từ nguồn lực của nhiều cấp, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, người dân để di tích Lam Kinh ngày càng khang trang, là điểm hành hương của du khách trở về cội nguồn lịch sử dân tộc. Đồng thời, thông qua lễ hội Lam Kinh tiếp tục phát huy lòng tự hào về truyền thống quê hương, đưa “xứ Thanh” bứt phá nhanh trong giai đoạn CNH, HĐH để Thanh Hóa trở thành một tỉnh kiểu mẫu.
KTĐT