Liên kết để phát triển du lịch khu vực miền Trung, Tây Nguyên
Cập nhật: 21/07/2014
(TITC) - Nhân dịp Lễ hội Nho và Vang quốc tế 2014 tại TP. Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, chiều 17/7/2014, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch Vũ Đức Đam đã chủ trì hội thảo “Phát triển du lịch vùng duyên hải miền Trung gắn kết với Đại ngàn Tây Nguyên” nhằm phân tích, đánh giá tiềm năng và thực trạng phát triển các sản phẩm và loại hình du lịch của vùng Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, từ đó đưa ra các chính sách, giải pháp nhằm tăng cường hợp tác và liên kết phát triển các sản phẩm, loại hình du lịch đặc thù. 

Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên cùng lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Tổng cục Du lịch; lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận và các tỉnh khu vực Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên; các doanh nghiệp du lịch, lữ hành cùng đông đảo chuyên gia, nhà nghiên cứu kinh tế trong và ngoài nước.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn đã báo cáo tại hội thảo tình hình phát triển du lịch và đề xuất một số biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phát triển du lịch tại các tỉnh, khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Trong những năm gần đây, du lịch các tỉnh Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên có bước phát triển đáng kể về sản phẩm, cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng du lịch, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực..., qua đó nâng cao vị thế du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Năm 2013, khu vực miền Trung, Tây Nguyên đã thu hút hơn 24,5 triệu lượt khách du lịch, tăng 12% so với năm 2012; trong đó có gần 5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 11,5%; 19,5 triệu lượt khách nội địa, tăng 13,2% so với năm 2012.

Biển Phước Dinh (Ninh Thuận)

Riêng với tỉnh Ninh Thuận, Chủ tịch UBND tỉnh Lưu Xuân Vĩnh cho biết: Ninh Thuận coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn xếp thứ 2 sau năng lượng và là một trong 4 ngành kinh tế trụ cột của tỉnh. Trong những năm qua, tỉnh đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao lớn, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh Ninh Thuận đến với khách du lịch trong và ngoài nước. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2014, Ninh Thuận đã đón 662.000 lượt khách, tăng 6,75% so với cùng kỳ năm 2013; trong đó có 45.000 lượt khách quốc tế, 617.000 lượt khách nội địa; tổng thu du lịch ước đạt 271,2 tỷ đồng, tăng 4,28% so với cùng kỳ năm 2013. Chủ tịch tỉnh Ninh Thuận cũng kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tăng cường hỗ trợ ngân sách, tạo điều kiện cho Ninh Thuận phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch giai đoạn 2015-2016 nhằm đảm bảo mạng lưới đường bộ, đường biển tiếp cận thuận lợi đến các địa bàn có tiềm năng du lịch, nhất là dải ven biển từ Bình Tiên đến Cà Ná và khu vực Đầm Nại, vùng tây bắc và phía nam của tỉnh.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã phân tích, đánh giá tiềm năng, thực trạng, cơ hội và thách thức đối với việc phát triển du lịch khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Theo các đại biểu, việc liên kết du lịch giữa vùng Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên cần giải quyết 3 vấn đề chính: tập trung đầu tư phát triển sản phẩm du lịch khác biệt, có khả năng cạnh tranh, từ đó kết nối tạo ra chuỗi sản phẩm giúp du khách có trải nghiệm khác nhau; liên kết, tạo nguồn lực tổng hợp trong xúc tiến quảng bá du lịch của vùng, xây dựng thương hiệu du lịch vùng; phân công cụ thể từng tỉnh trong việc đào tạo nhân lực du lịch trên cơ sở lợi thế của từng địa phương.

Đà Lạt - trọng điểm du lịch khu vực Tây Nguyên

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao tiềm năng du lịch của khu vực miền Trung và Tây Nguyên với những thế mạnh về địa lý, con người và sản phẩm du lịch, nhất là sản phẩm du lịch truyền thống. Tuy nhiên, đến nay phần lớn các địa phương trong khu vực vẫn chưa thật sự phát huy hết tiềm năng vốn có, vẫn tồn tại sự khác biệt khá lớn giữa các tỉnh, thành phố về mức độ phát triển kinh tế du lịch. Để du lịch trong khu vực phát triển mạnh trong thời gian tới, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch rà soát lại công tác quy hoạch phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, manh mún; phát huy vai trò của Hiệp hội Du lịch trong công tác điều phối, hỗ trợ doanh nghiệp và quảng bá du lịch Việt Nam ra thế giới; xem xét để hạ giá thuê đất cho các doanh nghiệp, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện. Ngoài việc phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, các địa phương cần tiếp tục cải thiện về cơ chế chính sách hợp tác đầu tư, liên kết hợp tác về quảng bá xúc tiến du lịch, tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng, tiến tới xây dựng thương hiệu chung cho khu vực miền Trung, Tây Nguyên, biến khu vực thành trọng điểm phát triển du lịch theo đúng mục tiêu chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020.

9 tỉnh thuộc Duyên hải miền Trung (từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Thuận) có đường biển dài 1.430km, chiếm gần một nửa đường bờ biển cả nước với nhiều bãi biển đẹp như Lăng Cô, Mỹ Khê, Nha Trang, Ninh Chữ, Mũi Né và nhiều đảo, bán đảo, vịnh như Sơn Trà, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Vũng Rô, Phú Quý,… cùng hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch biển, đảo. Là cầu nối giữa Bắc Trung bộ với Đông Nam bộ và Tây Nguyên, vùng Duyên hải miền Trung còn có lợi thế để liên kết phát triển nhiều ngành kinh tế mũi nhọn.

Tây Nguyên là vùng đất có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, bản sắc văn hóa đa dạng và độc đáo phù hợp phát triển du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng núi. Đặc biệt, Năm Du lịch Quốc gia Tây Nguyên - Đà Lạt 2014 với chủ đề “Đại ngàn Tây Nguyên” có nhiều sự kiện hấp dẫn nhằm quảng bá hình ảnh thiên nhiên, con người Tây Nguyên nói chung và Đà Lạt nói riêng tới du khách trong nước và quốc tế.

 

Bài, ảnh: Phạm Phương