Khám phá văn hóa cung đình Huế tại hai không gian diễn xướng mới
Cập nhật: 07/08/2014
(TITC) - Đến với thành phố Huế xinh đẹp và thơ mộng, du khách sẽ có cơ hội khám phá những nét độc đáo của văn hóa cung đình Huế ở nhiều địa điểm khác nhau trong quần thể di tích Cố đô Huế. 

Đặc biệt, tại hai không gian diễn xướng mới được Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế và Công ty Lê Quý Dương phối hợp đưa vào hoạt động là lầu Tứ Phương Vô Sự và thuyền cung đình Long Quang, du khách sẽ được chiêm ngưỡng không gian hoàng cung lộng lẫy, tráng lệ; nhâm nhi những chén trà cung đình đậm đà hương sắc; miên man theo những điệu nhạc câu hò đậm chất Huế; dự các lớp học múa hát cung đình cho các cháu nhi đồng và thiếu niên Huế theo mô hình của các lớp Đồng ấu trong Đại Nội hay tham gia các trò tiêu khiển của vua quan xưa (đầu hồ, thả thơ)…

Lầu Tứ Phương Vô Sự nằm ở cửa Hòa Bình, Đại Nội Huế (đường Đặng Thái Thân, TP. Huế) do Vua Khải Định (1916 – 1925) cho xây dựng vào năm 1923 để chuẩn bị lễ mừng thọ “Tứ tuần đại khánh tiết” của mình. Được xây trên nền cũ của đình Tứ Thông thời Vua Gia Long (1802 – 1820), lầu là nơi để nhà vua và các thành viên hoàng gia hóng mát, ngắm cảnh, cũng là nơi học tập hàng ngày của các hoàng tử và công chúa giai đoạn cuối triều Nguyễn.

Nằm trên trục “thần đạo” hướng tây bắc - đông nam của Hoàng thành Huế cùng với các công trình quan trọng nhất Đại Nội (điện Kiến Trung, cung Khôn Thái, điện Càn Thành, điện Cần Chánh, điện Thái Hòa đến Ngọ Môn), lầu Tứ Phương Vô Sự là công trình hiếm hoi của Hoàng cung quay mặt về phía bắc, và cùng với cửa Hòa Bình (cửa Bắc của Hoàng thành) làm nên một tổ hợp kiến trúc độc đáo, biểu thị cho ước vọng hòa bình của triều đại. Với đường nét kiến trúc hài hòa, giao thoa giữa phong cách phương Đông và phương Tây, lầu Tứ Phương Vô Sự có giá trị lịch sử và văn hóa nghệ thuật đặc sắc, là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu, đánh dấu một giai đoạn chuyển tiếp trong lịch sử kiến trúc Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20.

Lầu Tứ Phương Vô Sự có diện tích 182m², gồm hai tầng. Đứng trên tầng hai của tòa lầu, du khách có thể phóng tầm mắt bao quát những công trình kiến trúc trong Hoàng cung và quan sát cuộc sống thanh bình của người dân Thành Nội Huế.

Cùng với lầu Tứ Phương Vô Sự, thuyền cung đình Long Quang ở bến Nghinh Lương Đình (đường Lê Duẩn, TP. Huế) cũng là một trong những không gian diễn xướng đặc sắc mà du khách không nên bỏ qua khi đến Huế. Ngự thuyền này được đóng theo nguyên mẫu mô hình ngự thuyền Tế Thông thời nhà Nguyễn. Thuyền dài 30m; rộng 6,5m; cao 5,4m; chở được khoảng 100 người. Đầu và đuôi thuyền có hình rồng, mái bằng gỗ giả ngói màu vàng, các cửa “bảng khoa” đều được chạm trổ tinh xảo. Bên trong thuyền được che bởi các rèm bằng lụa tơ tằm, nền trải thảm gấm.

Thuyền Long Quang là nơi du khách có thể chiêm ngưỡng cảnh vật thiên nhiên hữu tình, những di tích văn hóa lịch sử cổ kính và đời sống của người dân xứ Huế ở hai bên dòng sông Hương. Đặc biệt, tại đây sẽ tổ chức phục vụ du khách những món ăn vương giả các vua Nguyễn dùng thết đãi quan khách trong các buổi tiệc “Ngự yến Hoàng cung”.

Hai không gian diễn xướng mới được đưa vào hoạt động giúp đa dạng hóa các loại hình dịch vụ du lịch trong quần thể di tích Cố đô Huế, góp phần quảng bá những nét đẹp văn hóa cố đô độc đáo, đồng thời khơi dậy, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa cung đình Huế, tạo ấn tượng sâu sắc cho du khách trong và ngoài nước khi đến với mảnh đất này.

Phạm Phương