Liên tiếp những ngày trung tuần tháng 8, du khách và người dân trên phố núi mờ sương lần đầu tiên hòa vào không gian… mưa rất lãng mạn của “Lễ hội mưa phố núi”.
Với người dân bản địa, mỗi năm Đà Lạt chỉ có hai mùa: mùa mưa và mùa nắng. Mưa Đà Lạt không giống như mưa Sài Gòn, mưa Hà Nội hay mưa ở bất cứ nơi nào khác… Mưa Đà Lạt nhẹ nhàng, khoan thai và thường kéo dài rỉ rích khiến con người ta có cảm giác buồn hay da diết nhớ về một hoài niệm xa xưa nào đó của đời người… Thường vào mùa mưa, khí hậu Đà Lạt lại ấm hơn rất phù hợp để hàng trăm ngàn loài hoa đua hương sắc trên xứ sở ngàn hoa.
Có thể nói, biến những cơn mưa trên phố núi sương mờ thành sản phẩm du lịch độc đáo hấp dẫn thu hút khách du lịch trong mùa mưa Đà Lạt năm nay là sáng kiến mới của những người làm công tác văn hóa - du lịch Lâm Đồng. Năm 2014, địa phương này được chọn triển khai Năm Du lịch quốc gia Tây Nguyên - Đà Lạt; do đó “Lễ hội mưa phố núi” nằm trong chuỗi các hoạt động của Năm Du lịch quốc gia nên càng có ý nghĩa và đã thu hút sự quan tâm thưởng lãm của đông đảo du khách trong nước, khách quốc tế và nhân dân bản địa đến với các hoạt động mới lạ và thú vị này.
Tại các khu công cộng trên thành phố Đà Lạt liên tiếp gần một tuần lễ qua (từ ngày 7 – 10/8) đã diễn ra Lễ hội mưa với chủ đề “Quyến rũ mưa Đà Lạt” gồm các chương trình được thiết kế mang tính tổng thể và theo một chuỗi các hoạt động được sắp xếp nối tiếp: không gian cà phê “Đợi mưa”; triển lãm ảnh nghệ thuật “Lãng mạn mưa Đà Lạt”; Ngày hội mưa Đà Lạt; “Con đường mưa Romance Palace” với các hoạt động “Hò hẹn trong mưa”, “Dạo xe đạp nước pedalo hồ Xuân Hương”, “Xe đạp đôi xuống phố” với các trò chơi trong mưa như nhảy dây, ném bong bóng, đá bóng, du thuyền trên hồ Xuân Hương…
Dường như tất cả các hoạt động trong Chương trình “Lễ hội mưa phố núi” Đà Lạt đều gắn với “mưa”. Điều đặc biệt là suốt thời gian diễn ra lễ hội (dù Ban tổ chức đã dự kiến các hoạt động sẽ tổ chức trong mưa); song, chẳng hiểu sao trời Đà Lạt bỗng dưng… nắng. Không có mưa thật thì mưa nhân tạo, và các hoạt động vẫn được diễn ra trình tự dưới mưa… nhân tạo.
Thay vì uống cà phê “đợi mưa” tạnh để về nhà thì ngược lại cứ “mưa” rồi uống cà phê ngồi ngắm phố. Các chương trình sau đó: “Con đường mưa” với sự tham gia của hàng ngàn bạn trẻ nam nữ phố núi với trang phục áo tím che dù hoa diễu hành trên các phố chính; xe đạp đôi xuống phố rất tình tứ; chương trình trình diễn thời trang “Catwalk mưa Đà Lạt” hay chương trình nghệ thuật “Cơn mưa mùa hạ”… được tổ chức dưới mưa nhân tạo và chật kín người xem…
Dù ảnh hưởng khách quan (trời không mưa) và một vài sai sót trong khâu kỹ thuật, ý tưởng của Ban tổ chức Lễ hội là đáng ghi nhận. Lần đầu tiên tổ chức một lễ hội mới có quy mô và nằm trong khuôn khổ của Năm Du lịch quốc gia không thể tránh khỏi những áp lực, khó khăn nhất định. Tuy nhiên, số lượng du khách và nhân dân đến với các hoạt động của Lễ hội chiếm khá đông, nhất là khán giả trẻ và khách nước ngoài. Đây là điểm thành công của Lễ hội mưa phố núi Đà Lạt - năm 2014. Lễ hội này đã góp phần mở ra ý tưởng sáng tạo những loại hình du lịch mới dựa vào lợi thế đặc thù địa phương...