Trái tim của người con gái miền nam Võ Thị Thắng, nổi tiếng với nụ cười chiến thắng và câu nói dõng dạc, đanh thép trước tòa án quân sự vùng 3 chiến thuật của chính quyền ngụy Sài Gòn, cách đây 46 năm (2-8-1968): "Liệu chính quyền của các ông có tồn tại đến 20 năm để bỏ tù tôi không?", đã ngừng đập lúc 8 giờ 20 phút ngày 22-8-2014, tại TP Hồ Chí Minh.
Nhắc đến chị Võ Thị Thắng, nhiều người chúng ta hôm nay, nhất là các thế hệ đã kinh qua mấy cuộc kháng chiến thần thánh bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc đều nhớ đến bức ảnh "Nụ cười chiến thắng" của chị, với bốn câu thơ đề tặng rất xúc động của Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy, Trưởng Ðoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Pa-ri về Việt Nam:
Kể chi hai chục năm tù
Ngày xuân phơi phới hẹn hò núi sông
Mặt em như tỏa ánh hồng
Miệng em như tận đáy lòng nở hoa
Võ Thị Thắng xuất thân và trưởng thành từ phong trào học sinh, sinh viên chống đế quốc Mỹ xâm lược tại thành phố Sài Gòn - Gia Ðịnh và các đô thị lớn ở miền nam. Phong trào đã nuôi dưỡng, rèn luyện nhiều tên tuổi sáng ngời trong sự nghiệp cách mạng miền nam như: Trần Văn Ơn, Nguyễn Thái Bình, Lê Quang Vịnh, Lê Hồng Tư, Võ Thị Thắng, Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Văn Nuôi... Những tấm gương này đã lan tỏa đến tận các chân trời xa xôi và trở thành biểu tượng cho một thế hệ thanh niên Việt Nam anh hùng, bất khuất, sẵn sàng hy sinh tuổi thanh xuân tươi đẹp của mình cho đất nước, cho cách mạng.
Trong sáu năm ròng rã, chị Thắng đã bị kẻ thù đọa đầy, giam cầm, tra tấn hết nhà lao này đến nhà lao khác: Thủ Ðức, Chí Hòa, Tân Hiệp, Hố Nai, Côn Ðảo. Cuối cùng theo Hiệp định Pa-ri, địch đã phải trao trả chị và nhiều chiến sĩ cách mạng khác cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam tại sân bay Lộc Ninh, ngày 7-3-1974. Có thể nói, thời gian tù đày đằng đẵng đó là một trường học lớn đối với chị cũng như nhiều tù chính trị khác để rèn luyện ý chí, lòng trung kiên và bản lĩnh người chiến sĩ cách mạng.
Quê hương chị ở xã Tân Bửu, huyện Bến Lức, tỉnh Long An "trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc" mà cả xã, huyện, tỉnh đều được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Võ Thị Thắng đã tiếp thu, phát huy truyền thống cách mạng của gia đình và quê hương để trưởng thành.
Sau ngày hòa bình lập lại, thống nhất đất nước (30-4-1975), chị công tác ở Thành Ðoàn rồi về Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hồ Chí Minh. Tiếp đó, chị được giao trọng trách Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, được trúng cử làm Ủy viên T.Ư Ðảng các khóa VIII, IX, đại biểu Quốc hội ba khóa liền: IX, X, XI, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Cu-ba.
Từ khi tham gia cách mạng đến khi trở thành một cán bộ lãnh đạo cấp cao, Võ Thị Thắng đã nếm trải nhiều thử thách cam go, tưởng chừng không vượt qua nổi, không chỉ trong hoạt động cách mạng bí mật, bị kẻ thù tra tấn, tù đày trước năm 1975 mà cả trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế khi được giao trọng trách lãnh đạo ngành du lịch. Chị không chỉ được thử lửa trong chiến đấu mà còn vững vàng trong cơ chế thị trường.
Nhiều cán bộ hoạt động lâu năm trong ngành du lịch đều nhớ đến công lao và nhiệt tình của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Võ Thị Thắng trong thời gian chị được giao trách nhiệm đứng đầu ngành du lịch - một ngành kinh tế tổng hợp quan trọng, nhạy cảm. Chị vừa phải điều hành, lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động ngành kiện toàn công tác cán bộ, vừa phải hoàn thành xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chiến lược ngành, xây dựng quy định, quy chế, góp phần quan trọng giúp Quốc hội thông qua Luật Du lịch... Hơn 10 năm, chị đã cùng tập thể cán bộ, nhân viên toàn ngành giữ vững sự phát triển ổn định và đưa ngành du lịch Việt Nam từng bước sánh vai cùng các nước trong khu vực và quốc tế, xứng đáng là ngành "kinh tế mũi nhọn" của đất nước. Hơn nữa, chị còn làm tốt công tác ngoại giao nhân dân mà chị được phân công. Và từ khi nghỉ hưu, trở về với cuộc sống đời thường, chị đã tham gia nhiều hoạt động xã hội và từ thiện của thành phố.
Ðiều đáng chú ý là dù bận rộn do phải gánh vác nhiều trọng trách, nhưng chị đã tạo được sự hài hòa giữa nhiệm vụ công tác với công việc của gia đình, vừa công tác tốt vừa đảm đương bổn phận làm vợ, làm mẹ và làm nghĩa vụ thành viên trong gia tộc nội, ngoại như bao người phụ nữ khác. Nhớ lại hồi còn đang công tác ở TP Hồ Chí Minh, công việc dồn trên hai vai nhưng chị vẫn nuôi dạy tốt hai con nhỏ và tiếp tục học, nâng cao trình độ, chuyên môn để bù lại những năm tháng hoạt động bí mật bị tù đày và chính là để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Chị đã tốt nghiệp Ðại học Luật Hà Nội, Ðại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh (khoa Sử) và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Với những cống hiến của mình, chị đã được Ðảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý.
Sinh thời, Võ Thị Thắng là một cán bộ kiên cường, bộc trực, ngay thẳng, dám quyết định và dám chịu trách nhiệm về công việc do mình phụ trách. Chị luôn tâm đắc câu nói của Thủ tướng Phạm Văn Ðồng đã ân cần dặn dò vợ chồng chị trong lần cả nhà đến thăm bác: "Cuộc sống mà quá bình lặng thì thật là vô vị, vô nghĩa. Ở đời khó nhất là biết sống, sống sao cho có ý nghĩa". Ai đó đã tiếp xúc với chị Võ Thị Thắng, dù chỉ là lần đầu cũng có cảm giác thân thuộc, bởi sự dịu hiền, nhẹ nhàng, khiêm nhường và lịch thiệp, tôn trọng người khác ở người phụ nữ này.
Mắc bệnh hiểm nghèo, chị Thắng đã ra đi. Chúng ta mất đi một con người đã sống và làm việc hết mình cho đất nước, cho cách mạng, cho gia đình và người thân, đồng đội, bạn bè. Xin thắp nén nhang thơm để tưởng nhớ hương hồn chị Võ Thị Thắng. Xin chia buồn với anh Trần Quốc Thuận, người chồng, bạn đời thân thiết của chị và các con, các cháu, cũng như những người thân xiết bao yêu quý của anh chị.
Nguyễn Huy Thông
Nhà văn, nhà phê bình văn học