Triển lãm Cổ vật Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh
Cập nhật: 26/08/2014
Nhằm giới thiệu dấu ấn của việc giao thương giữa Nhật Bản và Việt Nam thời các chúa Nguyễn từ thế kỷ 16, tại Bảo tàng lịch sử thành phố Hồ Chí Minh đang diễn ra triển lãm chuyên đề Cổ vật Nhật Bản.
 

Triển lãm giới thiệu khoảng 300 hiện vật được sắp xếp theo các chủ đề như: đồ gốm gia dụng, đồ đồng thờ cúng, tượng Phật và khám thờ, tiền kim loại, vật trang sức mỹ nghệ nhiều chất liệu... Những hiện vật này thể hiện đậm nét bản sắc văn hóa Nhật Bản và cũng nằm trong 37.000 đơn vị hiện vật mà Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh đang bảo quản, lưu giữ và có 11 hiện vật ở Bảo tàng được công nhận là Bảo vật Quốc gia.

Công chúng tới tham quan có thể chiêm ngưỡng các tsuba (miếng chắn tay - bộ phận quan trọng trên thanh kiếm Nhật), hoặc các netsuke (vật trang sức nhỏ tạc hình mặt người, thần, thú...). Đặc biệt có các hệ tượng Phật, các khám thờ Nhật Bản thiết kế kiểu hình hộp có hai cánh cửa, bên trong bố trí hệ thống tượng gỗ; hoặc các chậu gốm nhiều hình họa đề tài phong phú, bát tráng men gốm nhiều màu có in hình các nhân vật...

Trong khoảng thời gian từ cuối thế kỷ 16 đến thế kỷ 18, quan hệ giao lưu văn hóa, thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản phát triển mạnh mẽ thông qua mậu dịch Châu Ấn Thuyền. Chính quyền hai nước đương thời đã trao đổi những văn bản ngoại giao cấp quốc gia và có những chính sách khuyến khích mở rộng giao thương, buôn bán. Chúa Nguyễn cho phép các thương gia Nhật Bản lập phố Nhật ở Hội An để buôn bán.

CINET