Khách du lịch đến An Giang dịp Quốc khánh 2/9 tăng mạnh
Cập nhật: 03/09/2014
Dịp lễ Quốc khánh 2/9 năm nay, bình quân mỗi ngày An Giang thu hút trên 20.000 du khách trong ngoài tỉnh đến tham quan, nghỉ dưỡng, tăng từ 20% - 50% so cùng kỳ năm ngoái.
 

Theo các Ban quản lý khu du lịch trong tỉnh, để phục vụ chu đáo cho khách tham quan, trước kỳ nghỉ các khu du lịch trong tỉnh đã chủ động thu dọn vệ sinh môi trường, chỉnh trang khu vực khu vui chơi, giải trí; cải tạo hệ thống nước sạch, điều kiện ăn nghỉ tại chỗ; chấn chỉnh hoạt động kinh doanh ăn theo tại các khu, điểm du lịch; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm… để phục vụ du khách tốt nhất.

Bên cạnh đó, các công ty cũng chuẩn bị chu đáo các phương tiện vận tải thủy, bộ đầy đủ đáp ứng nhu cầu đi lại. Ông Đoàn Minh Phước, Phó giám đốc công ty cổ phần vận tải An Giang cho biết, công ty bảo đảm an toàn 20 phương tiện giao thông đường bộ, với trên 600 ghế sẵn sàng phục vụ nhân dân từ Long Xuyên đi các huyện thị và ngoài tỉnh; đồng thời bổ sung 40 xe buýt, nâng tổng số xe buýt hiện nay lên 149 xe hoạt động trên 12 tuyến nội tỉnh, nhất là bố trí đầy đủ cho các tuyến vào khu, điểm du lịch.

Công ty còn kết hợp với bến xe khách miền Tây (thành phố Hồ Chí Minh) và Cần Thơ để kịp thời giải tỏa, không để tồn đọng hành khách tại các bến xe, đảm bảo cho bà con đi lại thông suốt trong các ngày trước, trong và sau lễ, đặc biệt là không tăng giá vé.

Còn tại bến phà Vàm Cống, An Hòa, tỉnh An Giang đã đưa vào khai thác hết công suất phà 200 tấn, 100 tấn và phà 60 tấn qua các khu du lịch Mỹ Hòa Hưng, làng Chăm Tân Châu và bến phà phụ cách bến chính khoảng 200m bên bờ Long Xuyên và Đồng Tháp, nhằm giảm áp lực phương tiện, rút ngắn thời gian chờ phà, phục vụ nhanh, kịp thời, an toàn cho hành khách. 

Tại ngã ba sông thành phố Châu Đốc, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển du lịch An Giang hợp đồng với các hộ dân "xuống chèo" đưa khách tham quan làng Chăm Châu Phong, chợ nổi, làng bè Châu Đốc...

Tại khu du lịch đồi Tức Dụp (huyện Tri Tôn), rừng tràm Trà Sư (Tịnh Biên), Khu Lưu niệm Bác Tôn (thành phố Long Xuyên), năm nay lượng khách đến tham quan tăng 50%. Lượng khách tham quan khu du lịch Núi Cấm (Tịnh Biên), Núi Sam (Châu Đốc), làng Chăm (Tân Châu), khu du lịch hồ Thoại Sơn... tăng 30% so với ngày bình thường và cùng kỳ năm trước.

An Giang là tỉnh có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp đã được tỉnh và các công ty lữ hành du lịch đầu tư, khai thác với nhiều mô hình du lịch lịch sử truyền thống; du lịch tâm linh tín ngưỡng; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch nông nghiệp. 

Nhiều điểm hấp dẫn du khách như khu lưu niệm Bác Tôn (thành phố Long Xuyên), khu du lịch Núi Sam (thành phố Châu Đốc); Núi Cấm, rừng tràm Trà Sư, làng dệt thổ cẩm của đồng bào Khmer xã Văn Giáo (Tịnh Biên), Khu du lịch Đồi Tức Dụp, Nhà mồ Ba Chúc (Tri Tôn), làng dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm xã Châu Phong (thị xã Tân Châu), khu vui chơi giải trí hồ Thoại Sơn…

An Giang còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, ẩm thực với các món ăn dân dã của 4 dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer và đặc trưng của mùa nước nổi đi kèm như Bún cá Châu Đốc, cá lóc nướng trui, mắm thái cuốn bánh tráng; bánh xèo Bảy núi trứng đà điểu, bánh canh Vĩnh Trung, cà ri, cà púa, ốc hấp sả, chả ốc… hấp dẫn du khách đến vui chơi, nghỉ dưỡng trong các ngày nghỉ lễ Quốc khánh.

Vietnam+