Ngày 4/9, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh đã làm việc với đoàn công tác của tỉnh Thừa Thiên-Huế do Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao dẫn đầu và ông John Tercek, đại diện của hãng tàu biển lớn thứ 2 thế giới Royal Caribbean Cruises tới họp bàn về việc nâng cấp cảng Chân Mây để phát triển du lịch tàu biển ở Thừa Thiên-Huế nói riêng và Việt Nam nói chung.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Cao đề nghị Bộ VHTTDL ủng hộ tỉnh về chủ trương nạo vét, nâng cấp cảng Chân Mây để có thể đón được những tàu du lịch lớn, có sức chuyên chở 5.000 - 6.000 người trở lên cập cảng. Dự kiến, tháng 6/2015, tàu Voyages với 5.000 khách sẽ đến cảng Chân Mây nên việc nạo vét luồng lạch, kết nối hạ tầng, nâng cấp dịch vụ trên bờ phải được khẩn trương triển khai. Hãng tàu Royal Caribbean Cruises cũng rất quan tâm tới việc nâng cấp đường cao tốc Chân Mây - Huế đang được thực hiện và thời gian hoàn thành dự án này để có kế hoạch khai thác thời gian tới. Với những tàu lớn với hàng nghìn người, mang nhiều quốc tịch như tàu của hãng Royal Caribbean Cruises thì thường chỉ có 60% khách lên bờ tham quan, ăn uống, mua sắm… còn lại 40% khách sẽ ở lại sử dụng các dịch vụ trên tàu. Do đó, tỉnh Thừa Thiên-Huế đề nghị tiếp tục giữ các cửa hàng lưu niệm, các dịch vụ vui chơi giải trí, massage và sòng bạc (casino) của tàu được mở, khách được phép sử dụng khi tàu đỗ tại cảng Chân Mây.
Ở Việt Nam hiện nay cho phép mở sòng bạc ngay khi tàu rời cảng. Tuy nhiên, đại diện hãng Royal Caribbean Cruises cho rằng sẽ tốt hơn cho du lịch Huế nếu cho phép tàu mở casino ngay tại cảng Chân Mây. Theo kinh nghiệm của Royal Caribbean Cruises, các cảng biển du lịch quốc tế cũng đang tìm cách cho phép sòng bạc được mở để tăng thị phần khách du lịch tàu biển. “Tất nhiên, những sòng bạc này chỉ phục vụ khách trên tàu, người dân địa phương hoặc người dân ở bờ không được lên tàu để sử dụng casino”, ông John Tercek nhấn mạnh.
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh khẳng định Việt Nam luôn chào đón bạn bè từ khắp nơi trên thế giới, khuyến khích các hãng tàu biển lớn đưa khách tới Việt Nam. Bộ ủng hộ việc nạo vét luồng lạch cảng Chân Mây và kết nối hạ tầng, giao thông khu vực này để đón nhiều khách tàu biển tới miền Trung (đặc biệt tuyến Huế, Đà Nẵng, Hội An). Tuy nhiên, các nhà đầu tư, các hãng tàu biển cũng nên chủ động và tập trung nguồn lực cùng địa phương và các Bộ, ngành liên quan đầu tư, nâng cấp hạ tầng cảng biển, dịch vụ trên bờ, đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến quảng bá ở những thị trường du lịch trọng điểm để đáp ứng được sự phát triển mới trong tương lai. Việc mở casino và các dịch vụ giải trí khác, nếu muốn, Thừa Thiên-Huế phải làm đề án trong đó nói rõ tình trạng, tỉ lệ khách lên bờ và khách ở lại tàu, mục đích khách đến, sử dụng những dịch vụ gì, nhu cầu của khách như thế nào, khả năng đáp ứng của điểm đến… để trình Chính phủ cho phép làm thí điểm. Hiện nay, Royal Caribbean Cruises chỉ tập trung khai thác thị trường khách du lịch Trung Quốc và khách nói tiếng Hoa nhưng chủ trương của Việt Nam là đa dạng hóa các thị trường du lịch. Du lịch Việt Nam cũng đang thực hiện việc nâng cao chất lượng dịch vụ với tiêu chí “an toàn, thân thiện, chất lượng” và tập trung vào những thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Tây Âu, Úc, New Zealand và ASEAN. “Chúng tôi cũng sẽ có kế hoạch xây dựng những cảng biển du lịch chuyên dụng tại Hạ Long (Quảng Ninh), Chân Mây (Thừa Thiên-Huế), Phú Quốc (Kiên Giang), Phú Mỹ (Bà Rịa- Vũng Tàu) để phát triển du lịch tàu biển. Về đề xuất cho các hãng tàu đưa xe lớn vào Việt Nam để phục vụ vận chuyển khách đi tàu biển lên bờ tham quan cần được thực hiện nghiêm túc theo những quy định của pháp luật Việt Nam”, Bộ trưởng nói.