Bình Phước đầu tư đẩy nhanh phát triển du lịch
Cập nhật: 12/09/2014
Ông Nguyễn Quang Toản, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước cho biết: năm 2014 ngoài việc triển khai chương trình xúc tiến du lịch quốc gia trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014 - 2020, tỉnh Bình Phước tập trung triển khai một số giải pháp quan trọng trước mắt cũng như lâu dài và quyết tâm xây dựng chính sách thu hút đầu tư về du lịch vào tháng 10/2014.
 
Thác Mơ

Theo đó, tỉnh điều chỉnh lại quy hoạch phát triển du lịch cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương; khảo sát, đánh giá các tài nguyên du lịch, các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch. Bên cạnh đó nghiên cứu, đề xuất xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù mang tính vùng miền làm cơ sở hỗ trợ các cơ sở kinh doanh lữ hành liên kết khai thác; tổ chức ký kết các chương trình hợp tác phát triển du lịch với Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh tập trung vốn đầu tư hoàn chỉnh các dự án du lịch như dự án khu du lịch sinh thái Bà Rá – Thác Mơ; dự án khu du lịch sinh thái, lịch sử khu căn cứ quân ủy Bộ chỉ huy Miền Tà Thiết.

Bên cạnh giải pháp về cơ chế, chính sách, về phát triển nguồn nhân lực, về tuyên truyền quảng bá du lịch và xây dựng hình ảnh điểm đến, trong thời gian tới, ngành du lịch tỉnh Bình Phước nghiên cứu xây dựng những sản phẩm du lịch ở địa phương. Đó là sản phẩm du lịch gắn với dây chuyền sản xuất và chế biến mủ cao su, hạt điều; sản phẩm du lịch gắn với các sự kiện văn hóa, thể thao, lễ hội đặc trưng trên địa bàn tỉnh như lễ hội Miếu Bà Rá, lễ hội đâm trâu, lễ hội mừng lúa mới, giải việt dã leo núi Bà Rá. Bên cạnh đó phục hồi các làng nghề truyền thống của đồng bào người dân tộc như thổ cẩm, chế biến rượu cần, mây tre đan. Đồng thời tổ chức liên kết vùng, khu vực và quốc tế nhằm kết nối tour, tuyến; đặc biệt tập trung khai thác tuyên du lịch quốc tế Bình Phước – Campuchia – Lào – Thái Lan qua cửa khẩu Hoa Lư.

Hiện trên địa bàn tỉnh Bình Phước có khoảng 200 nhà nghỉ lưu trú du lịch trong đó có 13 khách sạn đã được cơ quan chức năng thẩm định, xếp hạng, 37 nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn lưu trú du lịch; đặc biệt có 3 cơ sở lưu trú du lịch đạt tiêu chuẩn 3 sao. Tổng vốn đầu tư về cơ sở lưu trú đạt trên 400 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Tỉnh có 3 khu, điểm du lịch đang hoạt động kinh doanh có thu phí và trên 25 điểm tham quan không thu phí.

Tỉnh Bình Phước còn hợp tác du lịch với các địa phương khác trong cả nước và các nước láng giềng, tập trung vào các lĩnh vực: hợp tác hỗ trợ để phát huy được những lợi thế của vùng và từng địa phương, khai thác các nguồn lực một cách hợp lý, giải quyết các nhu cầu thực tiễn của địa phương và tạo động lực cho du lịch phát triển bền vững, góp phần mở rộng và phát triển thị trường.

Tổng nguồn vốn ngân sách dành cho công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Bình Phước từ năm 2011 đến 2014 là trên 11,5 tỷ đồng. Riêng dự án khu bảo tồn văn hóa S’Tiêng Sóc Bom Bo, giai đoạn 2013 - 2014 với nguồn vốn đầu tư hệ thống hạ tầng đường giao thông, hồ chứa nước và hệ thống cấp nước là 12,5 tỷ đồng.

TTXVN