Hội nghị xúc tiến thương mại, đầu tư nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL
Cập nhật: 10/10/2014
(TITC) - Ngày 6/11/2014, tại Trung tâm Văn hóa hội nghị tỉnh Sóc Trăng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ Công Thương sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại, đầu tư nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đây là hoạt động quan trọng nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL – MDEC Sóc Trăng 2014. 

Đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa lớn nhất cả nước

Hội nghị nhằm xúc tiến đầu tư, giới thiệu, quảng bá rộng rãi tiềm năng, lợi thế của vùng ĐBSCL; tạo diễn đàn để các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, thiết lập quan hệ hợp tác, đặc biệt, tăng cường tính liên kết giữa vùng ĐBSCL với hai trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của cả nước là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Hội nghị cũng là cơ hội để các nhà quản lý, nhà khoa học và nhà đầu tư gặp gỡ, trao đổi về công tác quản lý nhà nước, cơ chế chính sách, môi trường đầu tư nhằm tạo thuận lợi, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội vùng ĐBSCL; đồng thời tìm ra giải pháp thiết thực nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước.

Dự kiến, hội nghị sẽ có sự tham gia của khoảng 500 đại biểu là lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước; thành viên Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ; đại diện các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương có liên quan; đại diện lãnh đạo UBND, các sở, ngành của 13 tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL, TP. Hồ Chí Minh và TP. Hà Nội; một số cơ quan đại diện ngoại giao, tham tán thương mại các nước, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; các doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà tài trợ trong và ngoài nước; Trung tâm Xúc tiến đầu tư các tỉnh, thành vùng ĐBSCL; Ban quản lý các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu nông nghiệp công nghệ cao; các chuyên gia kinh tế nông nghiệp; các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương.

Tại hội nghị, các đại biểu sẽ cùng nhau thảo luận để tìm ra những sáng kiến, giải pháp, các cơ chế, chính sách phù hợp với đặc trưng của vùng nhằm phát triển bền vững nền sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị của sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, đẩy mạnh công tác xúc tiến, thương mại và đầu tư, đóng góp cho xuất khẩu, từ đó nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho người nông dân.

Bên lề hội nghị, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh sẽ tổ chức giới thiệu, cung cấp thông tin về cơ chế, chính sách ưu đãi, các dự án thu hút đầu tư và nhu cầu an sinh xã hội của từng địa phương; trưng bày hình ảnh, tài liệu (sách, báo, CD, DVD…) giới thiệu thế mạnh của từng tỉnh, thành để từ đó đi đến thỏa thuận, ký kết hợp tác thương mại - đầu tư giữa các địa phương.

Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL - MDEC là hoạt động thường niên được liên kết tổ chức bởi Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Ủy ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế, các cơ quan bộ, ngành Trung ương và UBND các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. MDEC được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2007 tại TP. Hồ Chí Minh, các năm tiếp theo lần lượt tại TP. Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Tiền Giang, Vĩnh Long. Năm 2014, tỉnh Sóc Trăng đăng cai tổ chức MDEC với chủ đề “Tái cơ cấu nông nghiệp - Xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSCL” từ ngày 5 – 7/11.

Ngoài Hội nghị xúc tiến thương mại, đầu tư nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL, MDEC – Sóc Trăng 2014 còn có các hoạt động chính như: hội thảo “Vai trò của ngân hàng trong việc tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới vùng đồng bằng sông Cửu Long” (05/11); khai mạc MDEC - Sóc Trăng 2014, công bố quỹ an sinh xã hội, vinh danh các đơn vị ủng hộ quỹ an sinh xã hội vùng ĐBSCL năm 2014, gắn với lễ hội Đua ghe Ngo của đồng bào dân tộc Khmer  (05/11); diễn đàn Doanh nghiệp vùng ĐBSCL, TP. Hồ Chí Minh và TP. Hà Nội năm 2014 (06/11); hội thảo “Tái cơ cấu nông nghiệp - Xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSCL theo hướng liên kết, gia tăng chuỗi giá trị nông nghiệp” (7/11); hội nghị Ban Chỉ đạo MDEC - Sóc Trăng 2014 (7/11); lễ bế mạc MDEC – Sóc Trăng 2014 (7/11); các hoạt động truyền thông và giới thiệu, quảng bá các làng nghề, sản phẩm đặc sản truyền thống của địa phương.

Phạm Phương