Nhiều hoạt động kỷ niệm 90 năm phát hiện nền văn hóa Đông Sơn
Cập nhật: 11/11/2014
Hướng tới kỷ niệm 90 năm phát hiện và nghiên cứu về nền văn hóa Đông Sơn (1924 - 2014), Bảo tàng Lịch sử Quốc gia sẽ tổ chức nhiều hoạt động, trong đó, hội thảo khoa học “Văn hóa Đông Sơn - 90 năm phát hiện và nghiên cứu” sẽ được tổ chức vào ngày 18/11. 
 

Hội thảo có sự góp mặt của đông đảo các nhà nghiên cứu và các nhà quản lý văn hóa đến từ các viện nghiên cứu, các cơ quan quản lý văn hóa, trường Đại học… với những tham luận đề cập tới những phát hiện mới, những nghiên cứu mới, nhận thức mới về văn hóa Đông Sơn. Từ đó, đưa ra những kiến nghị, đề xuất bảo tồn và phát huy tác dụng trong nghiên cứu, trưng bày, bảo quản, xuất bản…

Trong chuỗi sự kiện này còn diễn ra khai mạc trưng bày chuyên đề “Văn hóa Đông Sơn” và ra mắt ấn phẩm “Văn hóa Đông Sơn - sưu tập hiện vật tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia” được tổ chức vào buổi sáng cùng ngày. Những hoạt động kỷ niệm trên sẽ góp phần tôn vinh những giá trị lịch sử của văn hoá Đông Sơn, đồng thời giúp cho thế hệ trẻ thêm hiểu biết và tự hào về nền văn hóa này.

Văn hóa Đông Sơn được phát hiện ngẫu nhiên vào năm 1924 bên bờ sông Mã thuộc làng Đông Sơn, cách cầu Hàm Rồng 1km về phía Nam tỉnh Thanh Hóa. Đến năm 1934, thuật ngữ “Văn hóa Đông Sơn” chính thức được định danh.

Cho đến nay, trên 200 di tích thuộc văn hóa Đông Sơn đã được phát hiện ở nước ta, chủ yếu phân bố ở 3 lưu vực sông chính thuộc các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ Việt Nam, đó là sông Hồng, sông Mã và sông Cả; tồn tại trong khung thời gian từ cuối thiên niên kỷ I trước Công Nguyên đến thế kỷ 2 sau Công Nguyên. Văn hóa Đông Sơn có nguồn gốc bản địa, từ các di tích Tiền Đông Sơn (Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun). Ngày nay, nhiều di vật văn hóa Đông Sơn còn được phát hiện ở các tỉnh miền Trung, miền Nam, Tây Nguyên của Việt Nam và một số nước khu vực Đông Nam Á.

Có thể nói, việc nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa Đông Sơn trong bối cảnh hiện nay không chỉ mang ý nghĩa khoa học mà còn có ý nghĩa thực tiễn to lớn. Sau chặng đường 90 năm, đây là dịp để giới chuyên môn cùng nhau đánh giá, tổng kết, cũng như công bố những phát hiện mới nhằm làm sáng tỏ hơn nội dung và ý nghĩa của nền văn hóa nổi tiếng này. Đồng thời, thông qua những hoạt động đó, hơn lúc nào hết, truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời của dân tộc cần được khơi dậy, khẳng định và tôn vinh, cho dù hiện còn những quan niệm và nhận thức chưa thống nhất về cội nguồn của văn hóa Đông Sơn.

ĐCSVN