Các nhà khảo cổ học đã phát hiện dạng thành lũy này hình thành sớm hơn thành Cổ Loa thuộc niên đại văn hóa cư dân Đông Sơn.
Theo thông tin công bố tại Hội nghị báo cáo kết quả nghiên cứu thành Cổ Loa từ năm 2007 đến nay, ngày 3/12, kỹ thuật đắp thành Nội và Ụ hỏa hồi phía đông bắc thành Nội hoàn toàn khác với kỹ thuật đắp thành Ngoại, thành Trung, khu vọng gác; xuất lộ gốm Đông Sơn, đồ sắt và di tích bếp lửa nằm dưới lũy thành Trung.
Cụ thể, kỹ thuật đắp thành Nội và Ụ hỏa hồi cho thấy các lớp đất đắp ở các giai đoạn khác nhau đều có tính thống nhất. Đó là tạo mặt phẳng chứ không đắp đất thành hình vòng cung và không có hiện tượng cắt đất như kỹ thuật đắp thành Trung.
Như vậy, có thể khẳng định, thành Cổ Loa do vua An Dương Vương đắp đã kế thừa tòa thành có trước đó.
Với nguồn tư liệu khảo cổ học và cổ sử, có thể khẳng định thành Cổ Loa là tòa thành đất quy mô to lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á do vua An Dương Vương đắp vào thế kỷ thứ 3 - 2 trước Công nguyên.
Từ kết quả nghiên cứu trên, các nhà khoa học kiến nghị lựa chọn một khu tiêu biểu nhất của di tích Cổ Loa còn để lại những di tích tiêu biểu và đặc trưng nhất của thành Cổ Loa để nghiên cứu, phục hồi và trên cơ sở đó giúp du khách trong và ngoài nước có thể nhận diện toàn bộ di tích.