(TITC) - Ngày 27/11 vừa qua, tại kỳ họp thứ 9 của Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể ở Paris (Pháp), Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại với 100% số phiếu tán thành. Đây là niềm tự hào không chỉ của nhân dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh mà còn của cả dân tộc Việt Nam, đồng thời đặt ra trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản này trong đời sống hiện đại.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, được sử dụng phổ biến trong hầu hết mọi hoạt động thường ngày, từ ru con, dệt vải đến trồng lúa, chèo thuyền... Lời ca của dân ca ví, giặm ca ngợi những giá trị đạo đức truyền thống như hiếu thảo với cha mẹ, lòng chung thủy vợ chồng, sự tận tụy vì người khác cũng như đức tính thật thà và cách cư xử giữa con người với con người.
Ví thuộc thể ngâm vĩnh bằng phương pháp phổ thơ (lục bát, song thất lục bát, lục bát biến thể...). Hát ví thường là hát tự do, không có tiết tấu từng khuôn nhịp, người hát có thể co giãn một cách ngẫu hứng, âm điệu cao thấp ngắn dài đôi khi còn tùy thuộc vào lời thơ (ca từ) bằng hay trắc, ít từ hay nhiều từ. Điệu ví nghe trang trải mênh mang, sâu lắng, bâng khuâng xao xuyến, tha thiết ân tình. Khác với ví, giặm là thể hát nói bằng thơ ngụ ngôn, có tiết tấu rõ ràng, có phách mạnh - phách nhẹ, nhịp nội - nhịp ngoại. Giặm rất giàu tính tự sự, tự tình, kể lể khuyên răn, phân trần, giãi bày. Cũng có loại giặm dí dỏm khôi hài, châm biếm trào lộng và trữ tình giao duyên.
Trải qua bao biến thiên của xã hội, sức sống của loại hình nghệ thuật diễn xướng này vẫn tồn tại và phát triển mạnh mẽ trong đời sống cộng đồng. Theo thống kê, hiện có 75 nhóm dân ca ví, giặm với trên 1.500 thành viên đang thực hành và diễn xướng tại 168 làng ở Nghệ An và 92 làng ở Hà Tĩnh.
Hồ sơ đề cử Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được xây dựng với sự tham gia của các thành viên cộng đồng, chính quyền địa phương, các tổ chức chuyên ngành và chuyên gia đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí do UNESCO đặt ra, đó là di sản có sức sống và sức lan tỏa mạnh mẽ, có những giá trị phổ biến trong cộng đồng Việt và được thực hành trong nhiều hoạt động của đời sống... Việc UNESCO công nhận Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, góp phần không nhỏ vào việc đưa loại hình nghệ thuật này đến với công chúng trong và ngoài nước, đồng thời khẳng định sức sống mãnh liệt và sự độc đáo của các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống của Việt Nam. Sự kiện này cũng góp phần thúc đẩy việc giao lưu dân ca ví, giặm giữa cộng đồng, nghệ sĩ và các nhà nghiên cứu; nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản này trong phạm vi địa phương, quốc gia và quốc tế.
Tuy nhiên, trong xã hội đương đại, quá trình toàn cầu hóa, sự bùng nổ của công nghệ thông tin và các phương tiện truyền thông đang đặt dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh trước những thách thức mới. Vì vậy, ngay sau khi Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Việt Nam cam kết thực hiện chương trình hành động nhằm bảo tồn sức sống của loại hình dân ca này và triển khai những chính sách nhằm tôn vinh các nghệ nhân trao truyền và giáo dục thế hệ trẻ. Đại diện lãnh đạo hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh cũng nhận thức được trách nhiệm cũng như sự cần thiết cần phải xây dựng kế hoạch cụ thể để tiếp tục bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản, đặc biệt là đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá để người dân cũng như chính quyền các cấp nhận thức sâu sắc hơn về tầm quan trọng của di sản, góp phần tích cực vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Phạm Phương