Thuộc địa phận năm thôn Mông Phụ, Cam Thịnh, Đông Sàng, Đoài Giáp và Cam Lâm, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, cách thủ đô Hà Nội khoảng 47km về phía tây, làng cổ Đường Lâm là ngôi làng duy nhất còn lưu giữ được nguyên vẹn cấu trúc và nếp sinh hoạt của một làng Việt cổ vùng trung du Bắc Bộ.
Đường Lâm còn được gọi là đất hai vua do đây là quê hương của Phùng Hưng và Ngô Quyền, hai vị anh hùng dân tộc đã có công đánh đuổi quân xâm lược phương Bắc vào thế kỷ thứ 8 và thứ 10. Đây cũng là quê hương của sứ thần Giang Văn Minh, nhà ngoại giao lỗi lạc (cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17), người đã anh dũng hy sinh khi đi sứ để bảo toàn quốc thể.
Ngày nay, Đường Lâm vẫn bảo tồn được hầu hết các đặc trưng cơ bản của một ngôi làng Việt truyền thống với cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình… Những ngôi nhà cổ từ thế kỷ 17 - 18, phủ màu rêu phong gắn liền với sân, vườn, giếng nước, nằm bên những con đường được bố trí theo hình xương cá. Nhà ở Đường Lâm được xây dựng bằng các loại vật liệu truyền thống của xứ Đoài như: đá ong (bảo đảm cho nhà mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông), tre, gỗ xoan, nứa, đất nện, trấu, bùn, mùn cưa, vôi, cát, sỉ, rơm rạ. Nhà được bố trí theo kết cấu 5 hàng chân cột, gồm 5 gian hoặc 7 gian 2 chái. Mái nhà võng xuống theo hình cánh diều, được lợp ngói mũi theo kiểu chen vai, cài cánh, đan xít vào nhau như vẩy rồng. Xà nóc nhà có khắc niên đại; các bức thùng, vòm cửa là nơi khắc nhiều hoa văn trang trí tỉ mỉ. Gian giữa, chiếm nhiều diện tích nhất, là nơi bố trí ban thờ tổ tiên cùng các bộ hoành phi, câu đối, tranh cổ… Phía dưới ban thờ đặt bộ phản và trường kỷ để ngồi. Trên bàn nhà nào cũng có chiếc ấm tích ủ nước chè xanh mời khách hoặc chiếc điếu bát, điếu ống tre để hút thuốc lào.
Ngoài những ngôi nhà cổ, Đường Lâm còn có hệ thống nhà thờ họ, miếu, đình, chùa, quán, điếm canh cùng cảnh quan môi trường sinh động với 36 gò đồi; 18 rộc sâu; 49 ao, hồ, vũng, chuôm; hàng chục cây cổ thụ (đa, đề, si, ruối). Những thửa ruộng, gò, đồi, bãi mấp mô ở Đường Lâm luôn là địa điểm hấp dẫn các nhiếp ảnh gia khi mùa vàng đến hay mùa lúa, ngô đương thì “con gái” với màu xanh mướt mượt mà.
Đến Đường Lâm, du khách đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức hoặc mua về làm quà cho người thân những món quà quê đặc trưng nơi đây như thịt quay đòn, bánh gai, bánh rán nước, bánh tẻ, chè lam, chè kho, kẹo lạc, kẹo vừng, kẹo dồi, tương…
Ngày 28/11/2005, làng cổ Đường Lâm đã được Nhà nước xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Đây là làng cổ đầu tiên trong cả nước được xếp hạng di tích quốc gia.
Để phục vụ nhu cầu của du khách khi đến tham quan Đường Lâm, Văn phòng Thông tin du lịch làng cổ Đường Lâm tổ chức các tour như: tour tham quan di tích lịch sử - văn hóa, tour tham quan kiến trúc nhà cổ, tour trải nghiệm làm nông nghiệp (trồng rau, thu hoạch rau - củ - quả, úp cá - nướng cá, tát nước, cày bừa, cấy lúa, hái chè, sao chè, gặt lúa…), tour trải nghiệm làm nghề truyền thống (nấu kẹo lạc, kẹo dồi, kẹo vừng; làm bánh tẻ)…
Thúy Hằng