Phát hiện lò gốm phục vụ hoàng cung Thăng Long thời Lê sơ ở Chu Đậu (Hải Dương)
Cập nhật: 21/01/2015
Kết quả khai quật di chỉ gốm Chu Đậu thuộc xã Thái Tân, huyện Nam Sách, Hải Dương đã cho thấy sản phẩm của lò gốm này từng được sử dụng trong Hoàng cung Thăng Long thời Lê sơ.
 

Vừa qua, Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành đã  kết hợp với Bảo tàng tỉnh Hải Dương tổ chức hội nghị Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di chỉ gốm Chu Đậu. Đây là cuộc khai quật lần thứ 7, có quy mô lớn nhất ở Chu Đậu, diễn ra từ tháng 12/2014.

Theo đó, trên diện tích 100m² khai quật, các nhà khảo cổ tìm thấy mảnh bao nung, đồ gốm men, con kê, xỉ than, gạch vụn và chống dính các loại. Chúng đều là đồ phế thải của lò gốm. Đồ gốm men tìm thấy trong tầng văn hóa này khá phong phú, đa dạng bao gồm: gốm men ngọc có bát, đĩa, âu, nắp, tước, lư hương...; men trắng gồm bát, đĩa, tước, âu, lọ... Ngoài ra còn có men trắng vẽ lam hay men trắng vẽ chỉ lam.

PGS.TS Bùi Minh Trí - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh thành cho biết “Trong số hiện vật này, có những loại hình giống như đồ gốm đã tìm thấy ở khu di tích Hoàng thành Thăng Long”.

Kết quả khai quật còn tìm thấy dấu tích phần đáy lò của một lò gốm và bao nung chuyên dụng để nung sản phẩm đơn chiếc, đó là loại đĩa men ngọc có đường kính khoảng 13 - 16cm. Nhiều chồng dính của loại đĩa này cũng được tìm thấy.

Cuộc khai quật này đã mang lại những phát hiện có giá trị và ý nghĩa to lớn, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về quy mô, diện mạo và lịch sử hình thành phát triển của gốm Chu Đậu. Đồng thời, đây là lần đầu tiên có thể khẳng định chắc chắn lò gốm Chu Đậu từng được sử dụng để phục vụ cho hoàng cung Thăng Long - PGS.Hoàng Văn Khoán nói.

Lãnh đạo Bảo tàng tỉnh Hải Dương cho biết, trong thời gian tới sẽ biến nơi đây thành bảo tàng tại chỗ để phục vụ tham quan, quảng bá những giá trị lịch sử, khảo cổ độc đáo của lò gốm cổ Chu Đậu.

CINET